Miền Tây: Doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ bị phạt do chậm đơn hàng

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid – 19, từ ngày 18/8, nhiều tỉnh miền Tây đã nới lỏng quy định sản xuất. Bên cạnh đó, việc mở rộng thêm vùng xanh để áp dụng trạng thái “bình thường mới” giúp công nhân sớm được trở lại các nhà máy thủy sản. 

Theo đó, hàng chục doanh nghiệp thủy sản quy mô lớn tại Bạc Liêu và Sóc Trăng đã gấp rút lên phương án nâng công suất vì thời hạn hoàn tất đơn hàng cho các đối tác đã gần kề. Trong đó, việc bổ sung thêm nhân công bù vào số hao hụt do giãn cách phải sản xuất “3 tại chỗ” được đặt lên hàng đầu.

Miền Tây: Doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ bị phạt do chậm đơn hàng - Ảnh 1
Ảnh hưởng dịch Covid – 19 khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản lo không đủ đơn hàng giao cho khách. (Ảnh minh họa).

Chia sẻ với Zingnews, đại diện Công ty TNHH Kim Anh tại tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đặc thù của ngành thủy sản trong mùa dịch Covid – 19 này là tuy ít công nhân nhưng doanh nghiệp phải vận hành máy móc để bảo quản tôm đông lạnh. Việc này khiến cho chi phí sản xuất tăng cao vì gánh thêm tiền điện.

Trước khi dịch Covid – 19 xảy ra, Công ty TNHH Kim Anh có khoảng 1.000 công nhân, kể cả lực lượng làm thời vụ. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, công nhân giảm xuống còn khoảng trên 30% nên doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, ưu tiên đơn hàng gấp để giữ khách hàng.

“Nếu hoạt động 40 – 50% công suất là doanh nghiệp lỗ vốn nhưng phải chịu. Đối tác phạt nếu giao hàng chậm thì có thể không xảy ra nhưng mình không cung ứng đủ hàng thì người ta tìm đối tác khác”, chủ một công ty thủy sản lo lắng.

Để kịp giao hàng cho các hợp đồng ưu tiên xuất khẩu trước, một số nhà máy thủy sản bắt đầu rã đông tôm nguyên liệu dự trữ. Việc dự trữ tôm lúc thủy sản giảm giá đã giúp nông dân giải phóng được hàng hóa, vừa giúp nhà máy chủ động nguyên liệu dù đã có sẵn các những cánh đồng nuôi tôm trải bạt.

“Khi lực lượng lao động vào nhà máy trở lại thì giá tôm chắc chắn tăng. Việc này tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Dịch bệnh kiểm soát ổn thì giá tôm tăng lên cao do nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới rất lớn. Chỉ lo ngại lúc đó không đủ hàng để giao cho đối tác hoặc giao chậm vì khó tìm được tàu vận chuyển”, chủ một doanh nghiệp chia sẻ với Zingnews.

Theo Zingnews, ông Trần Tuấn Khanh – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (Bạc Liêu) cho biết, những hợp đồng với nước ngoài phải đẩy nhanh sản xuất để trả vì đã hẹn lùi thời gian vài tháng. Nếu tiếp tục bội tín sẽ bị phạt và mất luôn đối tác làm ăn.

“Nếu như lô hàng đó 10.000 USD mà chúng tôi hẹn 2 – 3 tháng không giao thì bị họ phạt liền. Không chỉ phạt mà đối tác còn thông tin lên mạng cho doanh nghiệp khỏi xuất qua thị trường đó chứ không có thông cảm như trước đây”, ông Trần Tuấn Khanh khẳng định.

Trước đó, trong công văn gửi Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Nhưng các doanh nghiệp này cũng cực kỳ khó khăn trong duy trì sản xuất vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30 – 50% số lượng lao động.

Đặc biệt, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 – 50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 – 40%. Các vật tư, phụ liệu, bao bì… phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, VASEP kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine ngay cho người lao động tại các nhà máy chế biến thuỷ sản.

Xem bài: Miền Tây: Doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ bị phạt do chậm đơn hàng

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích