Mercedes-Benz thử nghiệm xe ô tô có thể điều khiển bằng suy nghĩ
Tại Triển lãm ô tô Munich diễn ra tại Đức, hãng xe Mercedes-Benz đã trình diễn công nghệ cho phép hành khách điều khiển các tính năng mẫu xe VISION AVTR tương lai của hãng bằng tâm trí của họ.
Bản chất của công nghệ trên là giao diện máy tính – não (BCI – Brain Computer Interface) là hình thức tương tác trực tiếp giữa các tín hiệu não với thiết bị bên ngoài. Hệ thống BCI đang được cải tiến nhằm giúp con người sử dụng sóng não để tạo ra sự di chuyển cơ học.
Hệ thống sử dụng một thiết bị mà hành khách đeo trên đầu để theo dõi hoạt động của não và sau thời gian hiệu chỉnh ngắn, nó cho phép họ điều chỉnh hệ thống định vị, kiểm soát khí hậu, radio và các chức năng khác của chiếc xe chỉ bằng suy nghĩ.
“Mercedes-Benz luôn đi tiên phong trong các giải pháp sáng tạo, thông minh nhằm mang đến cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Công nghệ BCI hoạt động hoàn toàn độc lập với giọng nói và cảm ứng. Điều này mở ra khả năng mang tính cách mạng về tương tác trực quan với xe”, Britta Seeger, thành viên HĐQT Công ty mẹ Daimler AG (chuyên chịu trách nhiệm bán xe hơi của Mercedes-Benz) nói.
Người dùng chỉ cần tập trung vào ánh sáng cụ thể trên màn hình kỹ thuật số lớn, giống như một con amip của ô tô, để lựa đúng chức năng mình muốn, bao gồm cả việc chọn một chỗ đỗ cụ thể cho những chiếc xe tự lái.
Thiết kế mẫu xe VISION AVTR. Ảnh: Foxnews
Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, các nhà khoa học máy tính tại ĐH Freie, Berlin (Đức) đã phát triển một hệ thống cho phép điều khiển xe hơi bằng suy nghĩ của con người. Bằng cách sử dụng một thiết bị cảm biến đo sóng điện não (EEG), các nhà khoa học có thể phân biệt các mẫu sóng điện sinh học, cho phép điều khiển các mệnh lệnh như “sang trái”, “sang phải”, “tăng tốc” hoặc “phanh”. Họ đã phát triển thành công một giao diện kết nối các cảm biến với máy tính, giúp điều khiển – kiểm soát xe hơi bằng suy nghĩ con người.
Theo đó, họ dùng các cảm biến để đo sóng não một người khi dùng ý nghĩ di chuyển một khối lập phương ảo theo các hướng khác nhau. Các đối tượng thử nghiệm sẽ suy nghĩ đến các tình huống lái xe, như “rẽ trái” hay “tăng tốc”. Bằng cách này, họ đã tập luyện cho máy tính hiểu biết các mẫu sóng phát ra từ điện sinh học não của con người liên kết với một mệnh lệnh sau này dùng điều khiển xe.
Giáo sư Raul Rojas, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong thử nghiệm của chúng tôi, một người lái xe được trang bị cảm biến EEG có thể điều khiển xe hơi bằng ý nghĩ, chỉ có chút chậm trễ giữa các lệnh và đáp ứng của chiếc xe”. Trong thử nghiệm thứ hai, chiếc xe có thể lái tự động thông qua một cảm biến EEG đã được xác định hướng tại các nút giao thông.
Bảo Linh (Tổng hợp)