Mẹo đơn giản giữ cho ngôi nhà mát mẻ trong đợt nắng nóng
Không có gì tuyệt vời hơn là được đắm mình trong một không gian mát mẻ giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt của mùa hè. Dưới đây là các mẹo làm cho căn nhà thoáng mát hơn.
Mùa hè đã đến với cái nóng như thiêu như đốt. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng lên đến mức cực đoan, làm mùa hè đến sớm và gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên.
Một ngôi nhà mát mẻ và thoải mái cực kỳ quan trọng vì sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc giữ cho ngôi nhà của bạn mát mẻ có thể là một thách thức, đặc biệt là khi nhiệt độ tăng. Mặc dù điều hòa không khí là một biện pháp đơn giản để hạ nhiệt nhanh nhưng nó khiến bạn đau đầu khi nhìn vào hóa đơn tiền điện cuối tháng.
Bạn muốn làm dịu bớt cái oi bức của nắng hè mà không tốn kém? Hãy thử một số mẹo đơn giản dưới đây.
Tự tạo điều hòa không khí
Không có gì kinh khủng hơn việc nhà bạn không có máy lạnh trong cái nóng bức của mùa hè. Nhưng không vấn đề gì. Bạn có thể tạo điều hòa không khí của riêng mình.
Một chiếc điều hòa không khí tự chế đơn giản (Ảnh: Getty). |
Đơn giản chỉ cần lấy một chai chứa đầy đá rồi bỏ một thìa muối vào, sau đó đặt tủ đông. Muối giúp điểm đóng băng của nước thấp hơn, khiến đá lạnh lâu hơn. Sau khi làm xong, bạn chỉ cần đặt các chai đá này trước quạt. Gió từ quạt sẽ thổi không khí mát từ bề mặt băng, tạo ra một làn gió mát mẻ, tương tự như hơi lạnh phả ra từ máy điều hòa.
Ngoài ra, một bát nước đặt trước quạt hoặc khăn ướt đặt trên quạt cũng có tác dụng hạ nhiệt cho căn phòng của bạn.
Đóng rèm cửa và cửa sổ vào ban ngày
Cửa sổ mở cũng sẽ cho làm không khí nóng vào nhà, thay vì không khí mát. Vì vậy, đóng cửa sổ và kéo rèm là một cách để cản ánh sáng oi bức và hơi nóng của mùa hè vào căn phòng của bạn.
Đóng cửa sổ và kéo rèm vào ban ngày khi nhiệt độ ngoài trời cao (Ảnh: Unsplash). |
Tuy nhiên, khi nhiệt độ giảm xuống, như vào ban đêm, bạn có thể mở cửa sổ để không khí mát lưu thông quanh nhà, giúp bạn ngủ ngon hơn.
Tương tự như cửa sổ, khi sức nóng ở mức cao nhất, bạn hãy đóng cửa các phòng không sử dụng hạn chế làn gió nóng vào phòng. Khi trời bắt đầu hạ nhiệt hãy mở cửa phòng để không khí mát mẻ có thể đi khắp nhà.
Sử dụng các loại vải tự nhiên và cotton
Một bộ ga trải giường phù hợp là cách mang lại cho bạn cảm giác mát mẻ trong nhà của mình. Khi nhiệt độ tăng cao, bạn nên chọn các loại vải cotton hoặc vải lanh có màu sáng, siêu thoáng khí và giúp làm mát cơ thể.
Chọn rèm phù hợp
Việc chọn đúng rèm có thể ảnh hưởng lớn đến lượng nhiệt vào nhà của bạn. Rèm xếp lớp giúp giảm nhiệt độ trong nhà do bạn có thể điều chỉnh lượng ánh sáng chiếu vào phòng bằng cách thay đổi kích thước của khe hở giữa các thanh.
Rèm giúp cản nắng chiếu vào ngôi nhà (Ảnh: Getty). |
Bạn nên đóng rèm từ sáng muộn đến tối sớm và đầu tư vào các loại rèm có màu trắng hoặc màu pastel được làm từ chất liệu nhẹ nhàng và thoáng mát.
Đặt cây trong nhà
Cây xanh có thể giúp làm mát ngôi nhà trong thời tiết oi bức của mùa hè.
Một số loại tốt nhất bao gồm cây đa búp đỏ, vạn niên thanh, cây cọ, cây lưỡi hổ và cây xanh.
Tắt đèn và các thiết bị công nghệ
Bóng đèn là một nguồn sản xuất nhiệt khác tại nhà, đặc biệt là bóng đèn sợi đốt. Tắt bóng đèn hoặc sử dụng ở mức sử dụng tối thiểu để làm mát ngôi nhà của bạn.
Tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết (Ảnh: Freepik). |
Tương tự như bóng đèn, các thiết bị điện cũng tỏa nhiệt. Vì vậy, hãy tắt tất cả thiết bị không sử dụng. Ngoài ra, hãy nhớ rút phích cắm khỏi ổ, thay vì chỉ tắt công tắc. Mặc dù không bật thiết bị, nhưng khi chúng cắm vào ổ điện vẫn tiếp tục tiêu hao năng lượng và điều này sẽ sinh ra nhiệt.
Treo một tấm khăn ướt
Một giải pháp thay thế cho đá trước quạt là tấm vải ướt bên cửa sổ mở. Làn gió từ bên ngoài sẽ chuyển sang mát mẻ nhờ độ ẩm từ tấm vải, giúp hạ nhiệt độ trong phòng. Phun sương cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tương tự.
Tạo gió nhẹ với quạt
Nếu bạn có nhiều quạt, bạn có thể tạo ra làn gió chéo để làm cho căn phòng mát hơn. Ví dụ, một chiếc quạt ở cửa ra vào có thể thổi không khí mát vào phòng, trong khi quạt ở cửa sổ (hướng ra ngoài) sẽ kéo không khí nóng đi.
Sử dụng quạt để lưu thông không khí (Ảnh: Getty). |
Nguồn: Báo xây dựng