MC Phương Mai: “Hoa hậu là một nghề, không phải đại diện nhan sắc của Quốc gia”
MC Phương Mai: “Hoa hậu là một nghề, không phải đại diện nhan sắc của Quốc gia”
MC Phương Mai đã có những chia sẻ của mình về Hoa hậu, chủ đề đang gây sốt mạng xã hội thời gian gần đây.
Thời gian gần đây, chủ đề “Hoa hậu”, “vương miện”, “tước vương miện”… đang là tâm điểm của mạng xã hội. Bắt nguồn từ những lần “vạ miệng” của Hoa hậu Ý Nhi, nhiều người cho rằng tân Hoa hậu không xứng đáng với ngôi vị Hoa hậu, làm xấu hình ảnh phụ nữ Việt Nam, không đủ tiêu chuẩn để đại diện nhan sắc Việt trên đấu trường Quốc tế…
Là một người hoạt động lâu năm trong showbiz Việt, MC Phương Mai đã có những chia sẻ ý kiến cá nhân về những ồn ào thời gian gần đây.
Theo MC Phương Mai, Hoa hậu không phải đại diện tinh hoa của một Quốc gia mà đơn giản chỉ là một nghề trong giới văn hoá nghệ thuật, tương đương với diễn viên, ca sĩ, người mẫu… mà thôi. Thí sinh đi thi, đoạt giải cao nhất cuộc thi đó làm việc cho công ty chủ quản và có nhiều hoạt động để mang lại lợi ích cho bản thân và doanh nghiệp tổ chức cuộc thi, tuỳ vào độ yêu mến của khán giả mà có sức ảnh hưởng lớn hay nhỏ.
Vì thế theo MC Phương Mai, không có nghĩa là hoa hậu nhất thiết phải hoàn hảo về mọi mặt vì chẳng có ai là hoàn hảo cả. “Điều đó đồng nghĩa với việc những kì vọng đặt lên những cô gái nhận được danh hiệu từ những cuộc thi giải trí là rất vô lý và hơi bất công” – Phương Mai khẳng định.
Cô cũng chia sẻ lại một kỷ niệm của mình khi sang Hàn Quốc tham dự một cuộc thi lựa chọn những đại diện tham gia các cuộc thi sắc đẹp hàng đầu thế giới. Theo Phương Mai, đêm thi diễn ra với khoảng 20-30 thí sinh, được tổ chức trong hội trường nằm ở tầng hầm của 1 khách sạn cách trung tâm Seoul hơn 1 tiếng chạy xe với số lượng nhỏ khán giả. Để thấy ở mỗi quốc gia, việc nhìn nhận về Hoa hậu cũng khác nhau, nên không cần áp đặt và thần thánh hoá quá.
Toàn bộ chia sẻ của MC Phương Mai:
“Chúng ra có đang thần thánh hoá đến mức lú lẫn hai chữ “Hoa hậu” không?
Nó chẳng phải là đại diện tinh hoa của một quốc gia gì cả – nó đơn giản là một nghề như bao nghề khác trong giới văn hoá nghệ thuật: như diễn viên đi đóng phim, ca sĩ đi hát, người mẫu đi catwalk… thì hoa hậu đi sự kiện hay đóng quảng cáo hay thực hiện bất kì công việc gì được thuê trong phạm vi tài năng của bản thân, kiểu thế.
Nó chẳng phải là biểu tượng của người phụ nữ quốc gia nào cả – nó chỉ là một kết quả cao nhất của một cuộc thi mang tính giải trí được tạo ra bởi một tổ chức kinh doanh – trong đó người thắng cuộc hoặc có cơ hội thi tiếp ở một/những cuộc thi quy mô lớn hơn thuộc cùng một thương hiệu hoặc tiếp tục làm việc như một nghệ sĩ giải trí trực thuộc công ty quản lý/nhà tổ chức/đơn vị nắm bản quyền cuộc thi, hoặc kinh doanh, hoặc học tập nghiên cứu, hoặc đại diện các cá nhân, doanh nghiệp hay gây quỹ để thực hiện những hoạt động xã hội…
Danh hiệu hoa hậu không khác gì một tấm bằng chứng nhận của một tổ chức tư nhân trong lĩnh vực đào tạo nghề trình diễn hình thể và hùng biện trước công chúng cả.
Vậy tiêu chí chọn hoa hậu hay tước bỏ danh hiệu hoa hậu thuộc về ai? Chính là thuộc về tổ chức kinh doanh tạo ra cuộc thi đó. Những tiêu chí abcdef mà chúng ta hay nói ra rả là “sắc tâm tài đức” hay “công dung ngôn hạnh” có ý nghĩa rất rộng và tuyệt đối không thể nhất quán. Thế nên mới có chuyện cuộc thi này chuộng gương mặt tròn, cuộc kia thích gương mặt góc cạnh… cuộc thi này thích chọn người thắng cuộc thông minh sắc sảo, cuộc kia lại thích một cô ngô ngố…
Thế nên mới có chuyện cuộc thi nọ kia tước danh hiệu của hoa hậu, vì cổ vi phạm hợp đồng cộng tác, vì cổ có bạn trai hay ghen, vì cổ có định hướng khác với định hướng tổ chức đặt ra, hoặc vì scandal lớn quá nên công ty không đỡ nổi nữa… có trời mới biết nội tình.
Đồng ý là mục tiêu cuối cùng của một hoa hậu là để tạo được sự nghiệp cho bản thân và đem đến lợi nhuận cho công ty/thương hiệu nắm hình ảnh của cô ấy dựa trên sức ảnh hưởng/độ yêu mến của công chúng, nhưng không có nghĩa là hoa hậu nhất thiết phải hoàn hảo về mọi mặt.
Vì chẳng có ai là hoàn hảo cả. Điều đó đồng nghĩa với việc những kì vọng đặt lên những cô gái nhận được danh hiệu từ những cuộc thi giải trí là rất vô lý và hơi bất công. Có lẽ chúng ta nên khách quan nhìn nhận họ là những nghệ sĩ, còn mình là khán giả: mình thích thì mình theo dõi, ủng hộ, mình không thích thì… thôi, cớ sao đùng đùng bắt người ta bỏ nghề (bỏ danh hiệu). Việc này phải do công ty chủ quản quyết định liệu có đồng hành nữa hay không với cá nhân này chứ.
Năm 2018, mình có dịp sang Hàn Quốc và theo dõi một cuộc chung kết hoa hậu bên đó. Đêm thi diễn ra với khoảng 20-30 thí sinh gì đó mình không nhớ, nhằm mục đích tìm ra 5 người thắng cuộc là 5 hoa hậu đi thi 5 cuộc lớn nhất hành tinh. Cuộc thi được tổ chức trong 1 conference hall nằm ở tầng hầm của 1 khách sạn cách trung tâm Seoul hơn 1 tiếng chạy xe với số lượng nhỏ khán giả (cho nên mình mới được ngồi xem và dẫn cả bạn vào cùng chứ).
Kể thế để hiểu là tuỳ từng thị trường, hoa hậu sẽ được ưa chuộng nhiều hơn hay ít hơn các nghề khác.
Thôi thì, ở thị trường Việt, nghề hoa hậu đang được chuộng hơn cả, dẫn đến sức lan toả trên truyền thông rất lớn, thành ra 1 câu phát biểu ngu ngơ cũng thành trò cười. Nhưng mà thôi, có gì đâu nhỉ, người ta đại diện cho thương hiệu người ta để phát biểu chứ có đại diện cho mình đâu mà lo nè? Thoải mái đi mọi ngừi ơi!”