Máy bay phát thải khí nhà kính rất lớn: Các quốc gia nỗ lực hướng đến một bầu trời ‘xanh’ hơn
Máy bay không chỉ phát thải CO2 mà còn các loại khí nhà kính khác
Ở quy mô toàn cầu, giao thông vận tải là hoạt động tạo ra lượng khí thải nhà kính lớn thứ nhì trong tất cả các lĩnh vực, chiếm 16,52% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2019, chỉ sau các hoạt động sản xuất điện và nhiệt, chiếm khoảng 31%.
Nếu chỉ xét về tỷ trọng trong tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm, giao thông vận tải bằng đường hàng không dường như chỉ chiếm khoảng 2-3%. Chính vì con số “khá bé” này, nên dễ gây nhầm lẫn rằng máy bay là phương thức vận tải hàng hóa, hành khách hiệu quả trên phương diện phát thải. Thực tế điều này sai lầm vì máy bay là loại phương tiện phát thải cực lớn, chỉ là số người dùng và tần suất bay thấp hơn nhiều so với các loại hình khác.
Tác giả Ritchie trong một bài truyền thông khoa học đã sử dụng dữ liệu sau bình duyệt, xuất bản trên Nature Sustainability của Bergero và cộng sự để lý giải rõ ràng lượng phát thải của máy bay bằng lời và đồ thị. Ritchie ước tính nếu một người di chuyển giữa London và Madrid bằng máy bay, thì chỉ một mình người này đã tạo ra 0,5 tấn CO2 phát thải vào môi trường.
Theo dự báo, sau thời kỳ giảm phát thải khí nhà kính do nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh thời kỳ Covid-19 (2020-2021), phát thải tăng trở lại và sẽ “phục hồi” về mức năm 2019 vào các năm 2024-2025.
Tiếp theo, Ritchie cũng cung cấp hai mức phát thải khí nhà kính, vì máy bay không chỉ phát thải CO2, mà còn các loại khí nhà kính khác nữa. Trong đó, máy bay có xả “contrails” ở trên cao trong không trung (chính là hơi nước ngưng tụ tạo thành các vệt trắng trên bầu trời). Đây cũng là một trong những lý do làm nóng không khí trên cao.
Ngoài ra trong các nguồn gốc phát thải khí nhà kính, nguồn phát thải từ máy bay là nguồn khó giảm nhất, bởi vì hầu như khó có nhiên liệu nào thay thế nhiên liệu gốc hóa thạch đang dùng hiện nay (nhiều, rẻ và ổn định).
Vì thế, để giải quyết vấn đề phát thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ nằm ở việc cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với động cơ. Đây là việc rất khó bởi nhiều thập kỷ trôi qua, việc làm cho sử dụng nhiên liệu “sạch hơn” hầu như rất khó khăn, và các hãng đã phải đầu tư tài chính lớn, thường xuyên với hiệu quả cải thiện thấp.
Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch cho máy bay
Với nhiều nghiên cứu tiên phong và sáng kiến chính sách đang được thực hiện nhằm giảm phát thải carbon, hàng không thế giới đang cho thấy sự chuyển biến quan trọng, hướng đến một bầu trời “xanh” hơn.
Theo báo Washington Post, vào tháng 11/2023, Hãng bay Virgin Atlantic (Anh) đã thử nghiệm thành công chuyến bay sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ London (Anh) đến New York (Mỹ).
SAF là nguồn năng lượng tái tạo có nguồn gốc từ các loại nguyên liệu như dầu ăn đã qua sử dụng, chất thải nông nghiệp, rác thải đô thị và một số loại tảo. Không giống các nhiên liệu máy bay thông thường có nguồn gốc từ nguyên liệu hóa thạch hữu hạn, SAF là giải pháp thay thế có tính tái chế và ít phát thải carbon, giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.
Trong thử nghiệm trên, máy bay Boeing 787 của Virgin Atlantic dùng loại SAF tổng hợp có nguồn gốc từ mỡ thải và đường thực vật, từ đó lượng phát thải carbon ít hơn 70% so với xăng máy bay thông thường.
Một trong những khía cạnh khiến nguồn nhiên liệu này trở nên hấp dẫn là khả năng tương thích ngay với máy bay và hạ tầng hàng không hiện có. SAF có thể được pha với nhiên liệu máy bay thông thường, có thể tương thích với các động cơ máy bay hiện có mà không cần sửa đổi hay bổ sung thiết bị nào. Điều này có nghĩa các hãng bay có thể đưa ngay SAF vào hoạt động mà không ảnh hưởng đến an toàn bay hay hiệu suất.
Lợi ích môi trường của SAF là rất đáng kể. Khi so sánh với nhiên liệu máy bay thông thường, tùy vào nhiên liệu thô và quy trình sản xuất, SAF có thể giảm phát thải khí nhà kính trong vòng đời sử dụng lên tới 80% hoặc hơn.
Singapore là quốc gia đầu tiên thực hiện chính sách áp thuế hàng không nhằm tạo nguồn quỹ cho việc sử dụng SAF. Kể từ năm 2026, các chuyến bay khởi hành từ Singapore sẽ có chi phí cao hơn khi nước này đẩy mạnh việc giảm thiểu khí thải carbon từ hàng không.
SAF có giá cao hơn nhiên liệu máy bay thông thường. Theo Hãng tin Reuters, dữ liệu từ tháng 11/2023 của cơ quan định giá hàng hóa và năng lượng Argus Media cho thấy giá bán lẻ của nhiên liệu máy bay truyền thống ở Mỹ khoảng 2,85 USD/gallon (khoảng 3,8 lít), trong khi giá 1 gallon SAF là 6,69 USD.
Bộ trưởng Giao thông Singapore Chee Hong Tat cho biết tất cả các máy bay xuất phát từ nước này vào năm 2026 sẽ dùng SAF. Đảo quốc sư tử đặt mục tiêu 1% tổng lượng nhiên liệu máy bay sử dụng tại hai sân bay Changi và Seletar trong năm 2026 là SAF, và sẽ tăng lên 3-5% vào năm 2030.
Theo website của nhà sản xuất máy bay hàng đầu Airbus, trong năm 2023 hãng này đã sử dụng hơn 11 triệu lít SAF – gấp đôi so với năm 2022. Việc này giúp Airbus giảm được 23.587 tấn khí thải carbon. Cùng năm 2023, Airbus cũng đã ký thỏa thuận với Air France về việc sử dụng SAF trong các chuyến bay giữa 5 thành phố ở châu Âu. Con số này dự kiến tiếp tục tăng.
Thông qua việc xây dựng quan hệ đối tác với các nhà sản xuất năng lượng, hãng hàng không và sân bay trên toàn thế giới, Airbus đang dẫn đầu nỗ lực hướng tới mục tiêu tham vọng là 17,5 tỉ lít SAF vào năm 2030 của ngành hàng không toàn cầu.
Hàng không Việt cũng có bước chuẩn bị dùng nhiên liệu xanh. Trong số 6 hãng bay tại Việt Nam, Vietnam Airlines và Vietjet đang có những kế hoạch nhất định tiến tới sử dụng SAF.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng đang hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất máy bay và Cục Hàng không Việt Nam để phát triển hệ thống sản xuất, phân phối SAF tại Việt Nam.
Trong khi đó, cuối năm 2023, Vietjet đang có định hướng rõ nét với những ký kết thỏa thuận tài chính máy bay với Novus Aviation Captial và hợp tác cùng SAF One phát triển SAF.
Theo hãng, việc hợp tác trên đảm bảo nguồn tài chính để mua máy bay, đồng thời cùng SAF One phát triển, cung cấp và sử dụng SAF tại Việt Nam trong thời gian tới. Thực tế, trong đội máy bay của Vietjet đã sử dụng dòng máy bay mới, hiện đại, giảm lượng khí thải ra môi trường.
Chẳng hạn, ngày 18/2/2024 Vietjet tiếp nhận máy bay thứ 105 về Việt Nam. Đây là máy bay mới Airbus A321neo ACF có khả năng tiết kiệm nhiên liệu đến 20%, giảm lượng khí thải ra môi trường tới 50% và tiết giảm tiếng ồn đến 75%…
An Dương (T/h)