Mặt trái của công nghệ nhận diện khuôn mặt
Người dùng rất hào hứng với công nghệ nhận diện khuôn mặt nhưng không tránh khỏi các thắc mắc về mức độ an toàn khi sử dụng, nhất là khi công nghệ nhận diện khuôn mặt xuất hiện tự phát và khá rối loạn. Nó được ứng dụng tại ngân hàng, sân bay, các cơ sở y tế… để xác định danh tính của mỗi người.
Nhận diện khuôn mặt thông minh là các giải pháp sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phát hiện khuôn mặt từ hình ảnh hoặc video được ghi nhận bởi camera, so khớp với các hình ảnh khuôn mặt sẵn có trong cơ sở dữ liệu khuôn mặt đã được lưu trước đó.
Các hãng công nghệ ngày càng muốn thu thập nhiều dữ liệu về sinh trắc học của người dùng, như vân tay, mống mắt, gương mặt… Tuy nhiên, nếu vân tay hay mống mắt thường chỉ mang tính chất bảo mật cục bộ, thì dữ liệu về gương mặt có thể được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau vì thế tính an toàn bảo mật cũng bị hạn chế.
Lợi dụng công nghệ để bôi nhọ danh dự cá nhân
Dữ liệu gương mặt của người dùng sau khi thu thập có thể được bán cho bên thứ 3 nhằm sử dụng cho công nghệ DeepFake, một công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để ghép mặt của bất kỳ ai vào bên trong những đoạn video hoặc hình ảnh với mức độ chuẩn xác cao và khó có thể nhận ra. Gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp kẻ xấu tạo các clip giả đăng tải trên mạng xã hội để trục lợi hoặc bôi nhọ danh dự người khác.
Dữ liệu cá nhân bị rò rỉ
Một mối quan tâm khác, đặt biệt ở Mỹ, là danh sách theo dõi mà cảnh sát sử dụng để kiểm tra hình ảnh có thể rất lớn, bao gồm những người họ không biết. Đầu năm 2020, The New York Times tiết lộ Công ty phần mềm Clearview AI, trụ sở tại thành phố New York đã thu thập hàng tỷ hình ảnh từ các trang mạng xã hội, tổng hợp thành cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt.
Công ty đã cung cấp dịch vụ cho cảnh sát trong và ngoài nước Mỹ. Điều này chứng minh rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng dễ tiếp cận trên quy mô lớn và không quá khó để vận hành.
Clearview không phải là công ty duy nhất thu thập hình ảnh trực tuyến về khuôn mặt. PimEyes, công ty công nghệ tại Ba Lan, có trang web cho phép mọi người tìm kiếm hình ảnh trực tuyến. Công ty sở hữu 900 triệu hình ảnh, dù không lấy trực tiếp từ các trang mạng xã hội.
Gây hại cho mắt
Iris Scanner, Face ID và một số công nghệ nhận diện khuôn mặt khác đang dùng tia hồng ngoại để chiếu trực tiếp vào mắt của người dùng. Cho tới thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng chứng minh IR trên Iris Scanner và Face ID sẽ làm tổn thương mắt của người dùng. Tuy nhiên, công nghệ này mới chỉ xuất hiện được một vài năm gầy đây, chưa ai có thể chắc chắn được việc sử dụng ID-LED liên tục trong 20-30 nắm nữa thì có gây tác hại nào không.
Thu Phương (T/h)