Mặt nước, cây xanh và tinh thần đô thị
Mặt nước, cây xanh và tinh thần đô thị
Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan ở bãi giữa sông Hồng sẽ có ý nghĩa trong việc tiếp tục củng cố tinh thần nơi chốn của Hà Nội, một thành phố bên sông, và một thành phố của những loại cây đặc biệt.
Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan ở bãi giữa sông Hồng sẽ có ý nghĩa trong việc tiếp tục củng cố tinh thần nơi chốn của Hà Nội, một thành phố bên sông, và một thành phố của những loại cây đặc biệt, đã trở thành biểu tượng của Hà Nội như sữa, sưa, bang… Chúng ta hãy tìm hiểu về vai trò của mặt nước và cây xanh đối với tinh thần đô thị.
Mặt nước và tinh thần đô thị
Nước là nguồn sống của con người, là khởi đầu cho sự hình thành và phát triển đô thị, là cơ sở để hình thành những nền văn minh rực rỡ của nhân loại, như nền văn minh Ai Cập bên sông Nile, nền văn minh Lưỡng Hà giữa hai sông Tigre và Euphrate, nền văn minh Ấn Độ bên sông Ấn và sông Hằng. Hầu hết các đô thị trên thế giới đều được xây dựng bên cạnh những con sông hoặc những hồ lớn. Nước không chỉ là phương tiện duy trì sự sống mà chính là một phần của sự sống (của con người cũng như của đô thị). Đối với Hà Nội và cả vùng Bắc Bộ nước ta, sông Hồng chính là cội nguồn của nền văn hóa khu vực.
Cái tên của Hà Nội đã nêu bật vai trò của sông nước đối với thủ đô: Thành phố bên trong sông, chả thế mà có câu ca dao cổ rằng:
“Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu – Tô Lịch là sông bên này…”
Triết gia và nhà y học Hy Lạp cổ đại Hippocrates cho rằng đô thị được hình thành từ ba yếu tố là: Không khí, nước và nơi chốn. Ba yếu tố trên cũng chính là những yếu tố tạo nên đời sống vật chất khỏe mạnh, đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân đô thị. Nếu một đô thị mà không khí bụi bặm, mặt nước ô nhiễm và nơi chốn thiếu cảm xúc thì sớm muộn nó cũng sẽ là thành phố chết, sẽ chẳng còn ai muốn sống ở đó nữa. Theo quan niệm truyền thống, nước là một trong năm thành tố tạo nên vũ trụ (ngũ hành: Thủy, mộc, hỏa, thổ, kim). Trong thuật phong thủy, nước là nơi dẫn truyền và tụ hội khí chất của trời đất. Nước cùng với địa hình tạo ra các thế đất phong thủy. Nhìn vào dòng chảy của nước và sắc thái của cây cỏ mà các thầy phong thủy có thể biết khí tốt tụ hội ở đâu.
Dân gian cũng cho rằng nước là nơi linh thiêng, có thần linh trú ngụ, chẳng thế mà thành ngữ có câu “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Còn nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết về 3 nơi linh thiêng nhất của Hà Nội thì đều là mặt nước:
… “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây,
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”….
Giữa một đô thị ồn ào với các cao ốc và đại lộ được xây dựng theo lý trí của con người, thì một dòng chảy cuồn cuộn của sóng sông hay một vẻ tĩnh lặng của mặt hồ sẽ giúp con người tìm lại các cảm xúc chân thật tự nhiên. Lý trí và cảm xúc, nhân tạo và tự nhiên, công trình và mặt nước… chúng phải bổ trợ cho nhau, cùng nhau tạo dựng nên những đô thị đáng sống cho người dân.
Cây xanh và tinh thần đô thị
Đầu thế kỷ 20, trước sự phát triển tràn lan các nhà máy công nghiệp trong các đô thị nước Anh, Ebenezer Howard đã đề xuất mô hình thành phố vườn bao gồm các đô thị vệ tinh có nhiều diện tích cây xanh bao quanh một đô thị trung tâm để giảm tải cho vùng lõi đô thị cũng như cải thiện môi trường sống tốt hơn cho người dân. Hiện mô hình này vẫn được áp dụng cho nhiều đô thị trên thế giới.
Nửa sau thế kỷ 20, nhà đô thị học Kevin Lynch đã cho rằng một mô hình đô thị tốt là phải làm cho con người phát triển bền vững cùng thiên nhiên, bởi thiên nhiên giúp cho con người cảm nhận thấy tinh thần nơi chốn một cách tốt nhất.
Nói chung, đối với mô hình đô thị sinh thái, các yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước, nắng, gió… được nghiên cứu và sử dụng hiệu quả để giảm thiểu khai thác tài nguyên, tăng cường sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho người dân. Trong các yếu tố đó, với đặc điểm sinh học của mình, cây xanh luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Trên thế giới, không ít những thành phố nổi tiếng ghi dấu ấn bởi hệ thống rừng và cây xanh tập trung lớn. New York nổi tiếng với công viên Trung tâm có diện tích 3,1km2, trải dài 4km, được thiết kế giống như rừng tự nhiên, với nhiều dịch vụ và hoạt động cộng đồng khác nhau, thu hút 36 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. New York là thành phố có mật độ nhà chọc trời cao bậc nhất thế giới, cây xanh trên đường phố hầu như không có. Giữa không gian đô thị khô cứng và ngập tràn vật chất đó, công viên Trung tâm chính là một địa điểm giúp cho New York cân bằng lại tinh thần; người dân tạm thời gác sang một bên những chỉ số tài chính không ngơi nghỉ, những mảng bê tông và kính ngộn ngợp để lặng lẽ tìm lại một chút tâm tư cảm xúc từ thiên nhiên. New York không chỉ là nơi phô diễn vật chất, nơi thể hiện quyền lực và sự lạnh lùng, nhẫn tâm của các đế chế tài phiệt, mà nó còn là nơi lãng mạn và đầy xúc cảm. Đó là vì có công viên Trung tâm rộng lớn giữa một thành phố mà giá bất động sản đắt hàng đầu thế giới, một sự hào phóng và lãng phí rất cần thiết. Nó thể hiện cách suy nghĩ lớn và xa của người New York.
London là một đô thị có nhiều hình ảnh đặc trưng như tháp đồng hồ Big Ben, cầu Tháp, xe bus hai tầng, bốt điện thoại… và chúng ta cũng không thể không nhắc tới hệ thống cây xanh tập trung của thành phố này với nhiều công viên nổi tiếng như Hyde Park, Regent’s Park, St James Park, Hampstead Heath… Những công viên này được thiết kế cảnh quan gắn bó với thiên nhiên với những đường dạo quanh co, có nhiều loại cây xen kẽ nhau và không bị xén tỉa, tạo nên thương hiệu “vườn kiểu Anh” (khác với “vườn kiểu Pháp” hay sử dụng hình thức xén tỉa nhân tạo và đường dạo thẳng).
Moskva là thành phố phát triển từ rừng nên nó có một hệ thống các rừng cây tự nhiên xen kẽ bên trong cũng như bao bọc quanh thành phố. Đó là điểm thú vị và đặc trưng của Moskva, thành phố của những khu rừng. Chúng ta hãy nhớ lại bài hát “Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va”, đã được dịch sang tiếng Việt, để thấy vai trò của các rừng cây đối với cảm xúc, tâm hồn thành phố Moskva:
… “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào,
Rừng cây chim buông lắng suốt canh thâu
Ơi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến,
Mát-xcơ-va bên chiều vắng thanh bình”….
Ở các đô thị Việt Nam, tuy cây xanh ít khi tập trung thành những khu rừng hay những công viên lớn, nhưng lại được trồng nhiều trên hè phố và cũng góp phần tạo nên bản sắc cho các đô thị, ví dụ Hải Phòng được nhớ đến là Thành phố hoa phượng đỏ, Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng với những hàng me xanh mướt, Hà Nội có rất nhiều loại cây hoa đã đi vào thơ ca và lòng người như sữa, sưa, đào…
Hơn thế, cây xanh còn có khi là biểu trưng cho tinh thần con người đô thị Việt Nam, ví dụ như người Hà Nội được ví với hoa nhài, hoa mai trong các câu ca dao:
“Chẳng thanh cũng thể hoa mai
Dẫu không lịch sự cũng người Thượng kinh”.
hoặc:
“Chẳng thanh cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An”.
Trong đô thị cổ điển của phương Tây, cây xanh được tập trung chủ yếu trong công viên, vườn hoa. Còn ở Việt Nam, cây xanh được trồng chủ yếu trên đường phố. Vì vậy, hầu hết các hoạt động của con người trên hè phố đều gắn với cây xanh. Người ta bán trà đá, ghi lô đề, bán hàng rong cạnh gốc cây; người ta hẹn hò, ăn uống, dạo chơi dưới tán cây; người ta chụp ảnh, vẽ tranh, chơi đàn dưới bóng mát của cây…Rất nhiều các kỷ niệm, các sự kiện trong đời người gắn với cây. Vì vậy, ở Việt Nam, cây xanh đường phố không chỉ là giải pháp thiết kế bền vững, cải thiện vi khí hậu cho đô thị, mà còn là một cách tạo dựng tinh thần nơi chốn đô thị.
Hà Nội là chốn kinh kỳ, nơi ở của tầng lớp quý tộc trong nhiều thế kỷ nên cái thú chơi hoa, chơi cây đã ngấm vào văn hóa của Hà Nội. Theo như các bài thơ của Nguyễn Trãi, ở thế kỷ 15 người Thăng Long đã có thú chơi cây hoa. Thời đó họ chuộng các cây như Mai, Cúc, Trúc, Tùng, Lan, Đào, Mẫu Đơn, Thiên Tuế, Mộc, Nhài, Sen, Hòe, Đa già, Dương… Cây và hoa dường như lớn lên cùng với mỗi con người Hà Nội xưa, cùng họ chia sẻ những nỗi buồn, niềm vui, tình yêu thương trong cuộc đời, ví dụ như câu ca dao:
… “Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua!”…
Ngày nay, cây và hoa cũng đi vào thơ ca của Hà Nội rất nhiều. Dường như mỗi con phố, mỗi nơi chốn của Hà Nội đều được ghi dấu ấn bởi một loại cây, một loài hoa nào đó, để khi xa Hà Nội người ta nhớ về thủ đô với những hình ảnh như gốc cây bàng khẳng khiu vào mùa đông, hoa sưa nở trên đường Thanh Niên vào mùa xuân, đầm sen Hồ Tây thơm mát vào mùa hè, hoa sữa rụng trên hè phố Nguyễn Du vào mùa thu… Trong tim nhiều người, hình ảnh đô thị của Hà Nội chưa hẳn đã là những công trình kiến trúc hoành tráng sang trọng, những tuyến đường lung linh đèn màu cửa hiệu, mà chỉ là một gốc phố lá bàng rụng, một ghế đá thơm mùi hoa sữa.
Những lý luận về hình ảnh đô thị (sự ghi nhớ của cư dân đô thị về các tuyến phố, nút giao thông, công trình điểm nhấn, khu vực dân cư, vành đai…) có thể đúng với các đô thị khác, còn với Hà Nội thì chưa hẳn. Bởi người Hà Nội và du khách sẽ nhớ nhiều hơn tới cây sưa cạnh chùa Trấn Quốc, hàng cây hoa ban trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùi hoa sữa ở hồ Thiền Quang, lá bàng rụng trên hè phố Mã Mây… Những địa điểm đô thị cuốn hút ở Hà Nội không hẳn là quảng trường, trung tâm thương mại, nhà hát… mà là những nhành hoa để chụp ảnh, là những quán cóc ở các góc phố với gốc cây cổ thụ xù xì.
Thực tế cho thấy rằng, nhiều nơi chốn đẹp ở Hà Nội có liên quan tới cây xanh và hoa và chỉ tồn tại theo mùa. Những hoạt động ở các nơi chốn cây xanh này là tự nhiên, tồn tại theo quy luật của trời đất, mùa nào địa điểm ấy. Có lẽ, lối sống gần gũi với thiên nhiên của người Việt Nam nói chung và của người dân Hà Nội nói riêng đã tạo ra những nơi chốn đô thị gắn bó với thiên nhiên, khí hậu. Cứ đến một mùa hoa nào đó là người dân Hà Nội lại rủ nhau tới để chụp ảnh, ngắm cảnh, hẹn hò… từ đó hình thành những địa điểm cộng đồng đặc trưng theo mùa của Hà Nội. Ví dụ, mùa xuân có vườn đào Nhật Tân, hoa ban ở lăng Bác, hoa sưa ở đường Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám; mùa hè có đầm sen ở gần công viên nước Hồ Tây, vườn nhãn ở chân cầu Vĩnh Tuy; mùa thu có hoa sữa ở nhiều con phố; mùa đông có hoa cải ở chân cầu Đuống, lá vàng rơi ở phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Kim Mã…
Người nhạc sĩ phương Nam Trịnh Công Sơn đã nhớ về mùa thu Hà Nội rằng:
“Hà Nội mùa thu!
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu – mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ
Phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua…”
Như vậy, mặt nước và cây xanh là hai yếu tố quan trọng trong việc tạo lập tinh thần nơi chốn của đô thị, trong đó có Hà Nội. Mỗi công trình xây mới ở một đô thị đều có khả năng phát huy hoặc tàn phá nơi chốn, tùy vào phương pháp tiếp cận và độ nhạy sáng tạo của những người thực hiện. Nếu người thiết kế thấu hiểu cái hồn nơi chốn thì những dự án mới có thể bồi đắp khí chất, kiến tạo sức sống mới cho đô thị. Hi vọng, dự án Công viên văn hóa cảnh quan ở Bãi Giữa sông Hồng sẽ được tiếp cận bằng phương pháp đúng đắn để Hà Nội có thêm một nơi chốn hấp dẫn.
KTS Vũ Hiệp
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị