Mặt bằng ở TP.HCM ế ẩm, giá thuê vẫn tăng
Giá thuê mặt bằng nhà phố tại TP.HCM hiện vẫn tăng đều nhưng chưa quay lại mức trước dịch, do vậy giá thuê chỉ có thể đi ngang hoặc tiếp tục tăng.
Nhiều mặt bằng nhà phố tại trung tâm TP.HCM bỏ trống thời gian dài. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo báo cáo thị trường quý I/2023 của Batdongsan, mức giá thuê mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang ghi nhận mức tăng trưởng đều.
Cụ thể, giá thuê mặt bằng nhà phố tại quận 1 tăng 17%, quận 3 tăng 13%, quận Phú Nhuận tăng 9%, quận 7 tăng 11% và quận 2 tăng 2% chỉ sau 3 tháng. Riêng duy nhất giá thuê mặt bằng nhà phố tại quận 9 (TP Thủ Đức) vẫn giữ nguyên giá thuê trong khoảng thời gian này.
Trái ngược với diễn biến giá thuê, mức độ quan tâm nhà phố tại TP.HCM lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, mặt bằng nhà phố tại quận 1 – trung tâm TP được ghi nhận mức độ quan tâm giảm tới 40%, còn các quận khác như Phú Nhuận, quận 7 và quận 9 thậm chí còn giảm hơn 50%.
Thực tế, khảo sát của Zing cho thấy mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang rơi vào tình trạng ế ẩm hàng loạt. Nhiều mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa thậm chí còn bỏ hoang nhiều năm dẫn đến cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.
Lý giải bức tranh trái ngược này, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan khu vực phía nam nhận định một trong những vấn đề ảnh hưởng đến thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê chính là sức mua của người tiêu dùng.
“Hiện thị trường du lịch vẫn chưa hồi phục rõ rệt dù lượng khách đã tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ. Đặc biệt bức tranh chung về sức mua tiêu dùng sụt giảm rất lớn. Điều này dẫn tới sự thay đổi linh hoạt về mô hình sản xuất kinh doanh của nhiều nhà hàng lớn, thay vì trước đây họ tập trung vào các tuyến đường chính vừa buôn bán, quảng cáo và chấp nhận chịu lỗ, giờ họ sẽ rút lui về những mặt bằng vùng ven hoặc trong hẻm”, ông giải thích.
Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh giá cho thuê tại thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2019 – trước đại dịch Covid-19, do đó kỳ vọng từ chủ nhà vẫn muốn tăng giá thuê.
“Chủ nhà chỉ có thể giữ nguyên mức giá thậm chí 1 số chỗ còn tăng giá. Điều này dẫn tới sự lệch pha trong kỳ vọng chủ nhà và kế hoạch kinh doanh của những người đi thuê”, ông nói thêm.
Biến động giá thuê nhà phố tại TP.HCM và Hà Nội. Ảnh: Batdongsan. |
Khác với TP.HCM, giá thuê nhà phố tại thị trường Hà Nội đã vượt mức trước dịch và bắt đầu đi ngang, một số thị trường điển hình như Ba Đình và Đống Đa có giá thuê tăng 17-25% chỉ sau ba tháng.
Dẫu vậy, mức độ quan tâm nhà phố tại Hà Nội hiện vẫn ghi nhận sự sụt giảm mạnh tại nhiều quận, điển hình như quận Ba Đình (-64%), Cầu Giấy (-43%), Thanh Xuân (-73%), Đống Đa (-58%)…
Trong khi đó, đơn vị này nhìn nhận lợi suất cho thuê tại TP.HCM đang hồi phục tốt hơn thị trường Hà Nội. Cụ thể, lợi suất cho thuê quý I năm nay tại TP.HCM hiện đã đạt 3%, gần bằng mức 3,1% năm 2019 – thời điểm đại dịch Covid bùng phát. Mặt khác, lợi suất cho thuê nhà phố tại Hà Nội chỉ mới đạt 2,6%, trong khi năm 2019, lợi suất cho thuê tại thị trường này ghi nhận ở mức 3,2%.
Cùng chung diễn biến giá thuê tăng, dữ liệu của Batdongsan cho thấy giá rao bán mặt bằng nhà phố tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong quý đầu năm nay tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Song, khi nhìn vào cận cảnh chu kỳ một năm qua, giá rao bán nhà phố Hà Nội đã tăng liên tiếp qua các quý. Còn tại TP.HCM, giá rao bán nhà phố từ quý I/2022 tăng dần và đạt đỉnh vào quý IV cùng năm, nhưng sang đến quý I/2023 đã quay đầu giảm.
Dữ liệu cũng cho thấy giá rao bán trung bình trong quý I/2023 đối với nhà mặt phố là khoảng 335 triệu đồng/m2 tại Hà Nội và 220 triệu đồng/m2 tại TP.HCM.
Nguồn: Báo xây dựng