Mạng 5G góp phần thúc đẩy chuyển đổi số

Hiện nay Việt Nam đã đặt mục tiêu làm chủ hạ tầng băng rộng, trong đó có hạ tầng thiết bị 5G cũng như các công nghệ, nền tảng mang tính chất hạ tầng theo hướng “Make in Vietnam”.

Các nhà mạng truyền thống đang có những bước chuyển mình thành doanh nghiệp công nghệ số, chuyển từ cung cấp dịch vụ kết nối thành các nhà cung cấp số, nền tảng số, nội dung số. Viễn thông và công nghệ thông tin đã dần tiệm cận với nhau đòi hỏi cần phải được đầu tư nâng cấp. Với các nhà mạng, khi đầu tư phát triển 4G, bài toán viễn thông đã chuyển dần sang khái niệm công nghệ thông tin và hỗ trợ cho hạ tầng số.

Mạng 5G góp phần thúc đẩy chuyển đổi số
Ảnh minh hoạ

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kể từ khi được cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G, đến tháng 6/2022, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh, thành phố.

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tính đến tháng 2/2022, Việt Nam có 19,6 triệu thuê bao băng rộng cố định đến tận hộ gia đình và mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có đường cáp quang với tốc độ 200 Mbit/s. Số lượng smartphone đến 2/2022 có 86,8 triệu, mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh smartphone băng rộng.

Với chương trình viễn thông công ích được phê duyệt vào tháng 12/2021, năm 2022, hạ tầng băng rộng sẽ tiếp tục được ưu tiên phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa và các thôn, bản hiện chưa được phủ sóng di động.

Tính đến 30/6/2022 các doanh nghiệp đã phủ sóng được 1857/2212 thôn lõm sóng, ưu tiên triển khai phủ sóng vùng lõm tại các khu vực vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, dự kiến trước tháng 8 sẽ hoàn thành phủ sóng toàn bộ số thôn còn lại (355 thôn).

Tỷ lệ sử dụng IPv6 (địa chỉ Internet thế hệ mới) trên mạng Internet của Việt Nam đạt 50%, tăng 3% so với 2021 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 toàn cầu với hơn 50 triệu thuê bao băng rộng cố định, băng rộng di động hoạt động tốt với IPv6.

Khối cơ quan nhà nước có tiến triển tích cực: 76/85 Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 (tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7% so với hết năm 2021); 41/85 Bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, dịch vụ công (tăng 141% so với cùng kỳ năm trước và tăng 86% so với hết năm 2021).

Trong năm 2022, việc bổ sung băng tần 2,3 GHz cho các nhà mạng trong việc phát triển hạ tầng 4G cùng với việc cấp phép mạng 5G thì chắc chắn tốc độ di động của Việt Nam sẽ được nâng lên và vùng phủ sóng cũng được cải thiện. Mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G và mạng 2G sẽ được dừng cung cấp dịch vụ.

Mạng 5G sẽ được bảo đảm cung cấp tốc độ trên 100Mbit/s và sẽ phủ sóng ở khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu trường đại học, các khu nghiên cứu, các tỉnh, thành phố có nhu cầu tốc độ cao và tiến tới năm 2025 cơ bản phủ sóng các địa phương lớn và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng di động với công nghệ 5G và 100% người dùng trưởng thành sẽ có sử dụng smartphone. 100% thuê bao di động có tài khoản dịch vụ Mobile Money.

N.Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích