​Mãn nhãn chương trình Du lịch Hà Nội chào 2024 – Get on Hanoi

Sự kiện được diễn ra tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ – Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (số 612 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Đại diện Ban tổ chức cho biết, đây là dịp để ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội ngày một nhiều hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.


Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2024 – Get on Hanoi 

Chương trình sẽ có màn biểu diễn ánh sáng với 300 drone (thiết bị bay không người lái) hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả trải nghiệm thú vị. Mặc dù màn trình diễn ánh sáng bằng drone trong chương trình này quy mô nhỏ hơn so với “Lễ hội ánh sáng” từng diễn ra vào đêm 30 Tết Giáp Thìn vừa qua; song với 300 drone, khán giả có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh mang tính biểu tượng của quận Tây Hồ như: cầu Nhật Tân, Sen bách diệp, hoa đào Nhật Tân…

Đặc biệt, chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024  Get on Hanoi 2024” sẽ có chương trình nghệ thuật bán thực cảnh mang tính sử thi và màn trình diễn ánh sáng công nghệ laser mapping. Chương trình có sự tham gia của gần 50 diễn viên chuyên nghiệp và 150 người dân Nhật Tân. Đây là chương trình nghệ thuật kết hợp yếu tố sử thi và biểu diễn hiện đại để mang đến câu chuyện về Hà Nội tinh hoa và phát triển.

Tham gia chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 – Get on Hanoi 2024”, người dân và du khách còn được tìm hiểu, thưởng thức không gian ẩm thực đặc sắc với 15 gian hàng. Trong đó, có nhiều tinh hoa ẩm thực của quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung, như: Chè sen Quảng An; xôi chè Phú Thượng (vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia); cà phê muối phường Xuân La; giò chả, chả cá Xuân Đỉnh… Các gian hàng hoạt động từ 8h30 ngày 9-3-2024 đến 22h ngày 10-3-2024.


Sân khấu nhiều sắc màu 

Ngoài ra, trong chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024  Get on Hanoi 2024” còn có những gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch của Hà Nội với nhiều tour du lịch hấp dẫn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề như: Lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), nón lá làng Chuông (huyện Thanh Oai)… Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp trong cuộc thi ảnh du lịch “Thủ đô Hà Nội chào đón bạn-Welcome Hanoi City”.

Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong năm 2023, Thành phố đã triển khai chuỗi 189 các hoạt động, sự kiện xúc tiến, trong đó, nhiều sự kiện, hoạt động du lịch độc đáo, chất lượng đã gây được sự chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2023; Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế  VITMHanoi; Lễ hội Du lịch Hà Nội, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội… Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và đã được đông đảo du khách đón nhận như: tour đêm Văn Miếu “Tinh hoa đạo học”, tour đêm đền Ngọc Sơn, tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài;… Kết quả, năm 2023 ngành du lịch Thủ đô thu hút 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,93% so với năm 2022 với 4,72 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 93,41 nghìn tỷ đồng, tăng 51,91% so với năm 2022.

Vị thế của ngành Du lịch Thủ đô trên trường quốc tế cũng không ngừng được nâng cao. Năm 2023, Thành phố Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao 4 giải thưởng: Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023; Cơ quan quản lý du lịch Thành phố hàng đầu Châu Á. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội lần đầu tiên được nhận giải thường “Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023” từ Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới; có 48 nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn, trong đó có 03 nhà hàng đạt 1 sao Michelin.

Đây là sự động viên, khích lệ, đồng thời là sự khẳng định vị trí, vai trò của Du lịch Thủ đô trong nước, khu vực và quốc tế.


Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu 

Tiếp nối Get on Hanoi 2023, Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 – Get on Hanoi 2024” là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các sự kiện, lễ hội, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, hấp dẫn, như: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Festival Thu Hà Nội… Đây là dịp để ngành du lịch Thủ đô tiếp tục truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn- Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội ngày một nhiều hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam và đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.

Kế thừa những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian vừa qua, năm 2024, Du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có là kết tinh, hội tụ của các giá trị tài nguyên văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn, du lịch thể thao,… phấn đấu năm 2024 ngành Du lịch Thủ đô thu hút được trên 27 triệu lượt khách, tăng 9,22% so với năm 2023 với 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 21,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 17,12% so với năm 2023

Trên địa bàn Thành phố hiện có trên 140 điểm đến du lịch với 42 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố đã được UBND Thành phố ban hành Quyết định công nhận theo quy định của Luật Du lịch, trong đó có Khu du lịch Nhật Tân. Khu du lịch Nhật Tân có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa hấp dẫn, đã đón du khách tham quan, trải nghiệm các dịch vụ từ năm 1999. Đến nay, khu du lịch đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi, khám phá, thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương và các vùng miền. Lễ công bố Quyết định công nhận khu du lịch ngày hôm nay sẽ tạo bước tiến mới trong hành trình xây dựng, phát triển Nhật Tân thành “Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô.


Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân cho chính quyền địa phương 

Trong thời gian tới với phương châm của Du lịch Việt Nam  “Liên kết chặt chẽ – Phối hợp nhịp nhàng  Hợp tác sâu rộng – Bao trùm toàn diện – Hiệu quả bền vững” tại Chỉ thị 08-CT/TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; ngành Du lịch Thủ đô bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực; dưới sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với  sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự đồng lòng của mỗi người dân Thủ đô; du lịch Hà Nội 2024 sẽ gặt hái nhiều thành công, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành điểm đến du lịch được ưa chuộng đối với khách du lịch trong nước, quốc tế. 

Ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Với Hồ Tây  một thắng cảnh thiên nhiên của Thủ đô nằm trọn vẹn trong địa giới hành chính của Quận Tây Hồ, đây là một trong những nơi lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu, mang dấu ấn đậm nét của kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến như: Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ… cùng với 15 lễ hội đặc sắc và các làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề Xôi Phú Thượng (đã được ghi danh vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia), nghề trà sen Quảng An, nghề giấy dó phường Bưởi, nghề trồng Hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên…

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, những giá trị văn hóa truyền thống ấy chính là nguồn lực, là điểm tựa để phát triển thành những sản phẩm đặc sắc, góp phần thiết thực phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố nói chung và của quận Tây Hồ nói riêng.


Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại sự kiện 

Trong thời gian qua, Quận Tây Hồ đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, cảnh quan môi trường theo hướng văn minh, hiện đại; tiếp tục thực hiện các dự án chỉnh trang không gian công cộng, các tuyến đường, vườn hoa, các dự án phát triển không gian sáng tạo; tổ chức giao thông phù hợp; tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch; triển khai thực hiện các đề án, dự án đầu tư hạ tầng phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng các không gian văn hoá sáng tạo làm cơ sở cho việc xây dựng các tua, các tuyến du lịch trên địa bàn.

Cùng với các không gian sáng tạo hiện có, đang được hoàn chỉnh, duy trì, phát huy hiệu quả, quận Tây Hồ đang nghiên cứu để bố trí, mở rộng thêm các không gian văn hóa sáng tạo mới trên địa bàn như: không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia..v.v. Đây tiếp tục sẽ là những dự án quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của quận Tây Hồ và Thủ đô Hà Nội.

​Đặc biệt, hiện nay, cùng với việc triển khai thực hiện công tác quản lý toàn diện Hồ Tây, Quận Tây Hồ cũng đang tích cực triển khai xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Hồ Tây và phụ cận”, trong đó có yêu cầu tập trung chỉ đạo phát triển Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ là nơi thu hút các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và tổ chức các sự kiện có quy mô, chất lượng phục vụ nâng cao đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn, thu hút du khách trong nước và quốc tế và xây dựng quận Tây Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn.


Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình 

Với sự kiện Sở du lịch Thành phố và Quận Tây Hồ phối hợp tổ chức Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024  Gét on Hà Nội 2024 và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, quận Tây Hồ. Đây là cơ hội tốt để Quận Tây Hồ giới thiệu nét văn hoá truyền thống và các danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch trên địa bàn (nằm trong chùm hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô  10/10/1954 – 10/10/2024).

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, phường Nhật Tân từ lâu đã nổi tiếng với Làng nghề  trồng hoa đào, với thắng cảnh Hồ Tây; các di tích như Chùa Tào Sách, Đình Nhật Tân; các điểm du lịch như: Công viên nước, Thung Lũng Hoa, Bãi Đá Sông Hồng, Không gian văn hóa sáng tạo (phố Trịnh Công Sơn)… đã và đang thu hút số lượng lớn khách tham quan, du lịch. Cùng với đó, Khu du lịch Nhật Tân vinh dự được UBND Thành phố công nhận là khu du lịch cấp thành phố đã cho chúng ta thấy sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy  – HĐND  UBND Thành phố Hà Nội trong công tác phát huy các giá trị di sản cùng tiềm năng, lợi thế của khu vực Hồ Tây, để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô. 

Đây là điều kiện để quận Tây Hồ triển khai các hoạt động quảng bá thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi, khám phá, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Quận Tây Hồ và các vùng miền; cũng là dịp để tiếp tục truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội nói chung, Tây Hồ nói riêng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Thủ đô và phát triển kinh tế – xã hội quận Tây Hồ. 
 


Màn trình diễn mãn nhãn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng Thủ đô 

 

​Với sự tin tưởng, ghi nhận của Thành phố Hà Nội đối với công tác phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn quận và vinh dự được đón nhận Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, quận Tây Hồ. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ sẽ tập trung lãnh đạo,chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị, UBND các phường thuộc quận thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch đối với khu du lịch Nhật Tân nói riêng và lĩnh vực du lịch trên địa bàn quận nói chung. 
Cùng với đó Quận Tây Hồ sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phát triển du lịch văn hóa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan nghiên cứu, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa; tăng cường truyền thông, quảng bá với thông điệp “Tây Hồ – Điểm đến du lịch an toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn” ; phát huy vai trò mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch văn hoá của Quận Tây Hồ. Đồng thời đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, truyền thông, quảng bá văn hoá, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hoá và xu hướng du lịch thông minh trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích