Mâm cúng chay dâng tổ tiên đắt khách dịp Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan
Mâm cúng chay dâng tổ tiên đắt khách dịp Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan
Lựa chọn ăn chay đang dần trở thành thói quen của nhiều gia đình. Vì thế, mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, dịch vụ cỗ chay vô cùng hút khách với nhiều hình thức bắt mắt, giá cả đa dạng.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm tháng Bảy (15/7 Âm lịch) cũng là lễ Vu Lan báo hiếu nên nhiều gia đình thường chuẩn bị các mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo dâng lên tổ tiên, thần linh.
Bên cạnh những mâm cúng mặn thông thường, những năm gần đây, nhiều gia đình chuyển sang cúng đồ chay khiến dịch vụ bán mâm cỗ chay đặt sẵn trở nên vô cùng hút khách.
Vừa phải đi làm lẫn quán xuyến việc nội trợ trong nhà nên chị Lan Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên đặt mâm cúng rằm, lễ Tết qua mạng. Trong dịp Rằm tháng Bảy năm nay, chị “đổi gió” đặt một mâm cỗ chay của một nhà hàng quen, đến sáng ngày Rằm sẽ có nhân viên mang tới tận nhà.
“Vài năm gần đây tôi thường ăn chay theo kỳ (ngày mùng 1 và ngày Rằm) nên dịp Vu Lan này cũng muốn làm một mâm cơm chay để cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên vừa thanh tịnh, tốt cho sức khỏe nhưng vẫn thể hiện trọn vẹn lòng thành kính của mình,” chị Lan Anh chia sẻ.
Mâm cỗ của chị Lan Anh gồm 8 món: Xôi ngũ sắc, canh rau rủ quả, nem rau củ, phở cuốn chay, đậu phụ rim tương, tảo xoắn xào xả ớt, chè ngũ sắc,… chỉ sơ chế qua đồ ăn là đã có một mâm cỗ cúng đủ đầy.
Lướt qua một vòng trên các diễn đàn hay mạng xã hội Facebook, không khó để bắt gặp những lời rao về dịch vụ nấu cỗ cúng chay với nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt. Thậm chí, một số nơi còn báo dừng nhận đơn đặt hàng do quá tải. Trong dịp này, các đơn vị bán đồ ăn chay cũng đang chạy “hết tốc độ” nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chị Diệp Anh, một người chuyên nhận nấu cỗ chay tại ngõ chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết dịp Rằm tháng Bảy năm nay chị đã nhận được đơn đặt mâm cỗ từ rất sớm. “Những năm trước, tôi thường nhận đơn từ mùng 10 đến ngày 14/7 Âm lịch nhưng năm nay từ đầu tháng đã có khách hỏi đặt cỗ nên tôi cũng tranh thủ mở đơn sớm hơn,” chị Diệp Anh nói.
Mỗi mâm cỗ chay nhà chị Diệp Anh làm có giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng, tùy thuộc vào số lượng món, phổ biến với các món như chả giò chay, súp lơ xào nấm hương, đậu phụ rim chay, gỏi cuốn ngũ sắc, súp chay…
Tương tự, chị Thúy Lan, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ chay ở phố Bằng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Hiện quán đã kín lịch đặt trước và chỉ đợi trả đơn cho khách vào ngày 17 và 18/8 (tức 14-15/7 Âm lịch). Năm nay đơn đặt hàng online tăng cao gấp 2-3 lần so với mọi năm, chủ yếu là các mâm cỗ có giá 800.000-1.000.000 đồng. Mặc dù giá đầu vào một số loại thực phẩm tăng nhưng chúng tôi vẫn giữ mức giá như năm trước.”
Theo đó, các mâm cỗ cúng chay tại cửa hàng chị Lan có giá dao động từ 700.000 đồng tới 1,5 triệu đồng/mâm cỗ cho 6 người ăn từ 8-13 món. Các món cỗ chay cũng rất đa dạng, từ đơn giản đến cầu kỳ: Canh dưỡng sinh, nấm kho tộ, nem ngũ sắc , gỏi nấm, gà chay sốt rô ti, nạc dê chay, bò xào chay, bia chay… Không chỉ vậy, các mâm cỗ có thể đặt theo phong cách vùng miền các địa phương như Tây Bắc, cỗ cúng chuẩn Hà Nội, phong cách Huế, Tây Nam Bộ… đáp ứng nhu cầu của khách.
Bên cạnh mâm cỗ cúng, mặt hàng thực phẩm, trái cây… cho dịp cúng Rằm cũng đang tiêu thụ tốt. Tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm- Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm)… thị trường đồ cúng cho ngày Rằm tháng Bảy dồi dào, giá tăng nhẹ ở một số các loại mặt hàng như rau xanh, trái cây và hoa tươi, còn lại tương đối ổn định.
Cụ thể, rau cải chip đang có giá 20.000 đồng/kg; rau muống giá 20.000 đồng/kg; xà lách đang ở mức 40.000 đồng/kg, dưa chuột 25.000 đồng/kg đỗ 45.000 đồng/kg; cà chua ta 50.000 đồng/kg… tăng 30-50% so với cùng kỳ tháng trước. Các tiểu thương cho biết do cả tháng nay thời tiết mưa nắng thất thường khiến các loại rau khó phát triển, nguồn cung hạn chế nên giá lên cao.
Còn tại mặt hàng trái cây, giá cũng nhích nhẹ khoảng 10-20%; trong đó dưa hấu từ 20.000-30.000 đồng/kg, na từ 50.000-55.0000 đồng/kg, thanh long đỏ và trắng ở mức 60.000-65.000 đồng/kg; nhãn Hưng Yên ở mức 45.000-55.000 đồng/kg tùy loại…
Các loại hoa cắm để dâng lễ đều tăng giá như giá hoa cúc chùm khoảng 25.000-30.000 đồng/bó, cúc lưới 65.000 đồng/10 bông, hoa hồng Mê Linh 50.000 đồng/10 bông, ly đơn 2-4 tai 130.000-140.000 đồng/10 cành, ly kép 300.000 đồng/10 cành…
Chị Nguyễn Thu Hằng, tiểu thương kinh doanh hoa tươi tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết giá hoa tươi tăng khoảng 20% so với ngày thường do nhu cầu mua vào dịp cúng Rằm tăng mạnh, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái lại không có sự đột biến.
Trái ngược với các loại mặt hàng tăng giá trên thì gia súc, gia cầm đang có giá khá ổn định. Hiện thịt nạc vai, giò sống, sườn thăn lợn ở mức 120.000-150.000 đồng/kg; giá móng giò 70.000-100.000 đồng/kg; thịt bò ở mức từ 260.000-330.000 đồng/kg tùy loại; gà ta sống từ 120.000-150.000 đồng/kg… Giá tôm thẻ từ 250.000 đồng/kg loại 30 con/kg, 280.000 đồng/kg loại 20 con/kg; tôm sú 400.000-500.000 đồng/kg tùy loại…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị