Mãi thương dáng mẹ tảo tần

Nhớ những tháng ngày gian nan khó nhọc, mẹ vất vả bươn chải, tiết kiệm từng đồng để lo cho hai anh em tôi ăn học nên người… Nhớ dáng mẹ tảo tần “gánh cái nghèo đi giữa phố đông” qua bốn mùa mưa nắng.

Mãi thương dáng mẹ tảo tần
Ảnh minh họa

Nếu ai đã từng sống trong thời bao cấp hẳn sẽ nhớ đến giai đoạn rất nhiều gia đình làm thêm đủ thứ việc để kiếm thêm chút tiền chi tiêu. Một số gia đình trong khu tập thể nơi tôi sống chọn việc khâu sách thuê, nuôi lợn, nuôi gà. Hết vụ khâu sách thì dập kim băng, in tranh thủ công, làm kẹo bột đi bỏ mối cho các quán nước chè… mỗi nhà trong khu tập thể chọn một việc gì đó vào từng mùa khác nhau.

Gia đình tôi lúc đó rất khó khăn vì bố đi công tác xa, hai anh em đều đang “trứng gà trứng vịt”. Bởi đồng lương eo hẹp và lịch trực cơ quan căng thẳng nên mẹ tôi phải xin “về mất sức” để lo cho các con. Ngoài giờ chợ búa, cơm nước, làm thêm, mẹ tôi mở một quán bán quà vặt ở ngay gần khu tập thể.

Có lẽ do duyên may nên quán nhỏ của mẹ tôi khá đắt hàng, ngày càng thu hút nhiều khách. Anh em tôi thường mang cơm ra quán cho mẹ vào buổi trưa. Từ xa, tôi đã thấy dáng mẹ mảnh mai, thoăn thoắt bán hàng. Tiếng nói cười của các cô, các chị khách hàng xôn xao cả con ngõ. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi cảm nhận được sự yêu mến của mọi người dành cho mẹ của mình khi tới mua hàng.

Khi bố của tôi được chuyển công tác về Hà Nội, cuộc sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn nhưng mẹ tôi vẫn duy trì quán hàng quà nhỏ xinh đó. Mẹ bảo: “Bây giờ, bán hàng không hẳn vì mưu sinh mà vì được gặp các khách hàng thân thiết mỗi ngày là một niềm vui”. Nhiều khách của mẹ tới ăn hàng từ ngày mới đi làm thử việc, sau này lập gia đình, chuyển công tác vẫn ghé qua. Cứ thế, quán quà vặt của mẹ đã nuôi anh em tôi khôn lớn, giúp gia đình tôi đi qua những ngày bao cấp đầy khó khăn.

Sau này lớn lên, tôi còn biết một điều khá đặc biệt, mẹ tôi vốn là “hoa khôi” khá nổi tiếng thời đó. Bà đã từng được chụp lên lịch và có một vị trí công việc vững vàng. Vậy mà… mẹ quyết định lùi lại phía sau để chồng phát triển sự nghiệp và lo cho các con. Mẹ sẵn sàng đặt cái “tôi” của mình xuống, chấp nhận vất vả, mở quán quà nhỏ để mưu sinh.

Năm tháng trôi… Ngọn gió thời gian phủ lên mái tóc pha sương của mẹ, in những nếp nhăn trên khuôn mặt khả ái năm nào… Tôi mãi nhớ dáng mẹ tảo tần đi về trên con ngõ nhỏ những trưa hạ nắng xiên, sớm đông lạnh giá, ngày mưa dầm gió bấc. Nhớ ánh mắt lấp lánh niềm vui, nụ cười dịu hiền của mẹ dành cho anh em tôi trong bữa cơm chiều sum vầy ấm áp. Tình thương yêu của mẹ dành cho gia đình trải dài theo năm tháng. Anh em chúng tôi không còn trẻ nữa, giờ đây, tình thương yêu của mẹ lại nối dài đến các thế hệ sau như làn nước mát lành chảy mãi.

Tháng 10, tháng có ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi cũng như bao người con trên mọi phương trời đều nhớ về mẹ của mình. Mỗi người có những kỷ niệm riêng, nhưng tôi tin, tất cả chúng ta đều nhớ về mẹ của mình với lòng biết ơn, tình thương yêu và sự trân trọng. Xin được gửi lời tri ân, chúc sức khỏe, hạnh phúc đến các bà mẹ của chúng ta!

Tường Vy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích