Mái đình tha hương
(Xây dựng) – Khi những đôi chân còn chưa mỏi mệt, khi những đôi vai còn gánh nặng nhân gian, thì cho dù là một ngày nào đó vẫn còn những mái đình tha hương… Ngày đổ dài trên phố/ Những mỏi mệt vô chừng… Đã úa mềm như cỏ/ Đã tan hòa như sương/ Đã chìm làm đá sỏi/ Đã hư vô bụi đường/ Mà sao lòng vẫn khát/ Mà sao dạ vương thương/ Sao trí còn lẩn khuất/ Một nỗi sầu tha hương/ Và người không ở lại/ Đằng sau ánh tà dương/ Còn ta và đêm tối/ In đời nhau trên tường. (Thơ Phạm Thùy Vinh).
Đã nhiều lần tôi ngước mắt lên, đã nhiều lần tôi chùng chân xuống và biết bao lần trong giấc chiêm bao vụng dại những mái đình ấu thơ lại vi vút hiện về. Cuộc sống của người tha hương là vậy, cho dù bạn đi đến đâu, là cùng trời cuối đất hay góc bể chân đời, phồn hoa đô hội hay lấm lem cực nhọc thì cây đa bến nước sân đình luôn là những ám ảnh vượt mọi ngóc ngách ngõ hẻm hang cùng của không gian và thời gian. Có một ngày trên xứ người xa lạ, không phải thôn Đoài, cũng chẳng phải thôn Đông, hoàng hôn tím sẫm buông xuống buổi chiều của gã đàn ông bươn chải, bất giác một mái đình cong vút lở lói những tường gạch điêu tàn, đó là khi quê hương đang lặn lội tìm về trong những ẩn ức yêu thương. Cái cảm giác đó khiến cho biết bao nhiêu người phải nổi da gà, cảm giác đó đã chạm đến yêu thương sâu thẳm của mỗi con người tha hương. Chỉ một mái đình cong vút trong tâm tưởng cũng khiến người ta ấm lòng, như được trở về với mẹ, như được trở về với cha, như được trở về quê hương xứ sở.
Dẫu có nghèo xơ nghèo xác, dẫu có bùn lầy đầm cạn chuôm sâu thì nơi ấy vẫn là nhà. Quê hương như một tiếng nấc nghẹn ngào ám ảnh người ta vào những buổi chiều buông tà khơi trăng. Giấu làm sao được những cảm xúc, che đậy làm gì những cảm xúc, hãy cứ để nó bung ra, hãy cứ để nó nức nở mà gọi tên ngày tháng. Ai bảo thời gian là phũ phàng? Tôi nói thời gian là ngang trái. Bởi thời gian chính là kẻ khổ tâm nhất khi phải chứng kiến lớp người này tới lớp người kia sinh ra lớn lên để rồi cứ biền biệt cá nước chim trời.
Than ôi những mái đình rêu phong, găm vào mình bao mưa bao nắng, xõa vào mình bao nhức nhối trần ai. Để làm gì? Để trơ trơ mốc mác, để xói mòn ưu tư, để phiền muộn những tháng ngày heo hút. Ai bảo thời gian là phũ phàng? Người ta đi và đi. Ai bảo không có những mái đình tha hương. Ngôi đình làng có thể được xem là những lối đi về của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi làng có việc. Trong khuôn viên của ngôi đình thường có cây đa cổ thụ, bóng râm mát, hồ sen và một khoảng sân vẫy gọi chim về làm tổ. Lúc đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, nộp sưu thuế và nơi nghỉ cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng (sống làm tướng, thác làm thần). Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng – người có công khẩn đất, lập làng. Ngoài Thành Hoàng làng, tùy theo thực tế của làng, mỗi ngôi đình làng có thể thờ các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của nhà vua, tất cả đều được rước vào đình thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo niềm tin, niềm hy vọng của làng xã Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, đình làng cũng là nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học… Đình làng còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng. Chỉ bấy nhiêu đó thôi mà đình làng có một sức sống bền bỉ, tôi có thể quên mùa thu, tôi có thể quên mùa hạ và ai nữa có thể quên mùa xuân nhưng đình làng căm căm như cái rét nàng Bân chẳng ai nỡ lòng quên mùa đông tàn trên những tán lá đa sân đình cũ càng rêu mốc. Chẳng ai nỡ lòng quên cái nắng cái gió khô rang những đêm hè. Một đêm hè nghe lời hát ru sân đình. Có không? Có chứ, những lời hát ru muôn thủa đã nhập đồng nhập bóng nơi này. Sân đình như một nỗi bi ai từ ngàn kiếp đã chẳng mong một gánh tương phùng. Người ta gió, người ta mây, người ta xoải những bước dài tha hương, còn mái đình trăm năm hay ngàn năm vẫn vô thủy vô chung mà trầm tịch, mà lặng câm, mà dang rộng cong vút những mái xưa chái cũ dưới vòm trời này, dưới gầm trời này, dưới những thác lũ cuộc đời này…
Chiều hôm ấy, chiều hôm nay, chiều hôm kia, đã rất lâu rồi những buổi chiều tôi gặp. Mái đình ưu tư ở đâu và ở đâu, cất những mái vòm cong vút mà cuốn tôi vào lòng. Đó là khi tôi tha hương, đó là khi tôi cơ nhỡ, đó là khi tôi không thể nói lên lời. Ai biết và ai biết. Chỉ có tôi với một mái đình. Để tôi nhớ, để tôi đếm, để tôi nghĩ… đời tôi đã có bao nhiêu mái đình tha hương…
Nguồn: Báo xây dựng