Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên lưu ý gì?

Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên lưu ý gì?

An Na –  Thứ hai, 21/11/2022 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian nếu không được can thiệp kịp thời.

Khó phát hiện, khó điều trị, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đe dọa sức khỏe người dân toàn cầu khi tỉ lệ người hút thuốc lá không giảm, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng tăng

Theo các chuyên gia, số người tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trên thế giới đến năm 2030 được dự đoán khoảng 5,8 triệu ca/năm. Tại Việt Nam, người COPD từ 40 tuổi trở lên chiếm 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Đây là một trong những bệnh có thể gây suy hô hấp và có tỉ lệ tử vong cao. Thông thường bệnh xảy ra quanh năm và mùa lạnh dễ xuất hiện nhiều, nhưng người bệnh có thể phòng ngừa kiểm soát để hạn chế tái phát của bệnh.

Một số yếu tố nguy cơ chính gây COPD là do tiếp xúc lâu dài với chất kích thích trong không khí. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân hàng đầu là do khói thuốc lá.

Các ghi nhận cho thấy hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều có thể mắc bệnh COPD và khoảng 3/4 trường hợp mắc bệnh COPD là có nguyên nhân từ môi trường như: khói bụi, bụi than đá và bụi silic; Ô nhiễm không khí môi trường bên ngoài; Ô nhiễm không khí trong nhà từ sưởi ấm và nấu ăn bằng than củi trong môi trường thông khí kém. Ngoài ra nhiễm trùng và một số bệnh lý cũng có thể là nguy cơ gây bệnh COPD.

Biểu hiện của COPD có đặc điểm phát triển chậm nên thời gian đầu có vẻ nhẹ khiến người bệnh cho rằng không đáng lo. Tuy nhiên, theo thời gian các biểu hiện của bệnh càng ngày nặng dần và có nguy cơ tử vong.

Bởi vậy, dưới đây là những lời khuyên dành cho người bệnh COPD:

1. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa các chất kích thích

Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu người bệnh có nghiện thuốc lá, thuốc lào. Vì nguyên nhân gây bệnh COPD chủ yếu là do hút thuốc lá, nghiên cứu cho thấy có khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có 1 người mắc COPD và có khoảng 80 – 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Một số nguyên nhân khác có thể gây COPD do môi trường như: khói nhà máy, ô nhiễm không khí và khói hóa chất…Hoặc hút thuốc thụ động, hoặc do nghề nghiệp tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất thường xuyên cũng dẫn đến COPD. Mặc dù đã mắc COPD thì bỏ hút thuốc không thể làm bệnh nhân khỏi bệnh nhưng sẽ giúp việc điều trị hiệu quả, giảm triệu chứng.

tm-img-alt

2. Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm

Ô nhiễm không khí bao gồm chất đốt được sử dụng để nấu nướng, hoặc các tác nhân gây ô nhiễm tại nơi làm việc như bụi và hóa chất, cũng có thể làm bệnh COPD tiến triển. Ngày nay do công nghiệp hóa nếu người bệnh COPD tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu…, sẽ khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Vì vậy, người bệnh cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.

3. Cần mang khẩu trang và mũ khi ra ngoài

Khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ lạnh có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Các nghiên cứu cho thấy, không khí lạnh, khô hoặc nóng có thể gây kích ứng các triệu chứng COPD. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trở gió hoặc thay đổi người bệnh COPD ra ngoài cần phải mang khẩu trang, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.

4. Rửa tay thường xuyên và tiêm chủng đầy đủ vaccine

Do nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì thế các yếu tố lây nhiễm, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm, có thể làm cho tình trạng khó thở, ho khan và thở khò khè trở nên trầm trọng hơn.

Do đó, những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nên rửa tay thường xuyên và tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biểu hiện COPD là giảm nguy cơ nhiễm trùng. Theo khuyến cáo người bệnh cần được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, tiêm vaccin phòng phế cầu khuẩn 5 năm một lần.

5. Cần tập thể dục và luyện tập phục hồi chức năng

Người bệnh COPD cần nâng cao sức khỏe, duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ… ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Ngoài ra, người bệnh cần tập luyện phục hồi chức năng hô hấp để nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng các hoạt động thể chất bằng các biện pháp như thể dục dưỡng sinh, tập thở cơ hoành,… Cũng có trường hợp người bệnh có thể giảm thời gian luyện tập hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra …hoặc để luyện tập phù hợp người bệnh cần thiết phải có sự tư vấn của các bác sĩ.

Ngoài ra, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì nên đi khám bệnh ngay.

6. Hãy đến bác sĩ để được giúp đỡ khi cần

Người bệnh cần đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Và người bệnh cần dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.

Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng của sức khỏe của mình xấu đi. Người bệnh cần chuẩn bị sẵn các số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện để được hỗ trợ tư vấn khi cần. Hãy đi cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu nguy hiểm như: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng – thở vẫn gấp và khó.

Nếu mắc COPD mức độ nặng, người bệnh không nên bi quan mà hãy chia sẻ những ưu phiền với người thân và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích