Mắc bệnh đái tháo đường có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

Mắc bệnh đái tháo đường có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

PGS.TS.Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương mới đây đã đưa ra lời khuyên dành cho người mắc bệnh đái tháo đường về việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo PGS.TS.Tạ Văn Bình, người mắc bệnh đái tháo đường cần hiểu về bệnh của mình, đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

“Ở người mắc bệnh đái tháo đường thì hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nhiều so với người không mắc bệnh. Người mắc bệnh đái tháo đường càng lâu, có nhiều biến chứng, thì nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng càng cao như nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus,…” – PGS.TS Tạ Văn Bình cho biết.

Do hệ miễn dịch suy giảm, nên khi bị nhiễm virus, người đái tháo đường lại cũng dễ bị nhiễm trùng thứ phát, tức là dễ bị “bệnh chồng bệnh”. Do đó, trước đại dịch COVID-19, người mắc đái tháo đường gặp phải những rủi ro bệnh tật rất lớn. Trong đợt dịch đầu tiên, trên thế giới có tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường mắc COVID-19 bị tử vong khá cao.

Empty

Người mắc đái tháo đường gặp phải những rủi ro bệnh tật rất lớn khi mắc COVID-19 (Ảnh minh họa)

Trước những thắc mắc của người bệnh đái tháo đường có nên tiêm vaccine phòng COVID-19, PGS.TS.Tạ Văn Bình khuyên người mắc bệnh đái tháo đường nên tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm.

Vaccine phòng COVID-19 là một “lá chắn” đối với dịch bệnh này. Theo khuyến cáo của WHO và thông tin từ những hãng thuốc sản xuất vaccine, những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 nên tiêm vaccine phòng COVID-19. Vaccine giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và giảm tình trạng bệnh nặng khi nhiễm virus.

Theo PGS.TS.Tạ Văn Bình, về nguyên tắc, tiêm vaccine là để tạo ra miễn dịch cho cơ thể, nên người mắc đái tháo đường lại càng phải được tiêm và tiêm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý các vấn đề như sau:

– Thứ Nhất, không được bỏ các thuốc điều trị tăng đường huyết trước, trong và sau tiêm vaccine.

– Thứ Hai, tại nơi tiêm phòng, phải thông báo cho bác sĩ khám sàng lọc về các thuốc đang uống. Ví dụ như thuốc hạ đường huyết loại nào, có uống kèm thuốc hạ huyết áp hay không. Đặc biệt nếu có uống thuốc chông đông máu phải thông báo với bác sĩ ngay.

– Thứ Ba, thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh đái tháo đường và các biến chứng kèm theo. Ví dụ đái tháng đường có biến chứng thận, có biến chứng mạch máu, thần kinh.

– Thứ Tư, tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của nhân viên y tế – nơi tiêm vaccine, về nguyên tắc theo dõi và báo cáo, xử trí đối với người tiêm vaccine.

– Thứ Năm, đối với từng loại vaccine đều có thể gặp những phản ứng thông thường, như: Sốt, đau đầu, mỏi cơ…, đến triệu chứng nặng hơn như là sốc phản vệ do vaccine cũng có thể xảy ra. Vì vậy, người đái tháo đường nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm có bác sĩ khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm và có đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Giải thích về việc tương tác giữa thuốc điều trị đái tháo đường với vaccine phòng COVID-19, PGS.TS.Tạ Văn Bình cho biết, người mắc đái tháo đường thường phải uống thuốc thường xuyên, thậm chí là rất nhiều loại thuốc để giữ đường huyết ổn định và dự phòng biến chứng. Đối với người mắc đái tháo đường có mắc kèm theo các bệnh lý khác thì lại phải uống nhiều loại thuốc phối hợp hơn. Do đó, rất nhiều người lo lắng về tương tác giữa các thuốc này và vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, PGS.TS.Tạ Văn Bình cho rằng, bệnh nhân đái tháo đường không cần quá lo lắng. Chỉ cần thông báo đầy đủ, chi tiết về bệnh tật cũng như thuốc mình đang dùng, bác sĩ sẽ có chỉ định về việc tiêm vaccine. Điều quan trọng là làm đúng những gì mà nhân viên y tế  tại cơ sở tiêm vaccine hướng dẫn.

Thông thường thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc điều trị tăng huyết áp không ảnh hưởng gì đối với vaccine phòng COVID-19. Nhưng nếu người bệnh trước đó dễ bị dị ứng với các thành phần của mỹ phẩm, dị ứng với kháng sinh; hoặc đang uống một số loại thuốc chống đông máu thì phải thận trọng.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng (đối với vaccine AstraZeneca) gồm người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Ngoài ra, có 4 đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặt giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút…) phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh.

Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine.    

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích