M&A bất động sản: Cuộc chơi của các “ông lớn”
(TN&MT) – Trái ngược với lo ngại về tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản (BĐS) do dịch Covid-19, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn đã diễn ra suôn sẻ trong năm 2021.
Ảnh minh họa |
Trong lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều chuyên gia lo ngại tiến độ hoàn thành pháp lý cho một số thương vụ M&A BĐS sẽ bị chậm lại. Đặc biệt, tâm lý của các nhà đầu tư đã thận trọng hơn khi họ phải cân nhắc nhiều yếu tố mới đưa ra được quyết định. Tuy nhiên, BĐS vẫn là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất trong năm 2021 với khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực BĐS của một số doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý. Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, bất chấp đại dịch khó lường, quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020.
Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, BĐS và tài chính với hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng đầu năm 2021. Thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nội địa, đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm 2021. Sự thu hút M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.
Các chuyên gia dự báo, cuộc đua thâu tóm BĐS của các doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính thông qua các thương vụ M&A sẽ tiếp tục sôi động. Bởi, thị trường sẽ còn nhiều biến động do quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt; các chủ đầu tư yếu kém không trụ được trước khó khăn sẽ buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng cổ phần cho các chủ đầu tư khác chất lượng hơn; quy định về đóng cửa biên giới và các hạn chế đi lại sẽ còn là trở ngại với đầu tư ngoại…. Đây chính là cơ hội cho M&A để thay đổi diện mạo thị trường BĐS trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nếu trước đây, các thương vụ M&A BĐS chỉ tập trung ở các dự án nhà ở, khu đô thị tại các thị trường lớn như: Hà Nội, TP.HCM thì đến nay, đã mở rộng về thị trường và đa dạng về phân khúc. Một số vùng mới phát triển kinh tế, vùng ngoại ô các đô thị lớn hay những chủ đầu tư không thể “đi đường dài” với dự án cũng tìm tới giải pháp M&A. Kể cả những khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng xuất hiện các thương vụ M&A.
Còn bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc Cấp cao JLL Việt Nam cho rằng, thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. Các doanh nghiệp nội có thể coi M&A như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh. Song, không nên xem M&A chỉ là một “game thu gom tài sản”, mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết. Chỉ khi tham gia được vào chuỗi giá trị thì doanh nghiệp Việt mới gia tăng được sức mạnh và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia, hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường M&A bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vaccine ngừa và thuốc điều trị Covid-19. Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A được dự báo sẽ bùng nổ.