Lý do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh?

Cùng với thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam trong gần một năm qua và đặc biệt khoảng một tháng trở lại đây đã chứng kiến đà sụt giảm rất mạnh.

Ở nhịp giảm lần này, nhiều cổ phiếu bị bán mạnh và giảm sâu, định giá thị trường sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm với mức P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) chạm ngưỡng 11.6 (tính đến cuối phiên 4/10). Trong lịch sử thị trường rất ít khi định giá thị trường rơi xuống mức thấp như vậy.

So với đỉnh lịch sử thì chỉ số đại diện là VN-Index đã mất hơn 30%, rơi vào nhóm thị trường chứng khoán có diễn biến tệ nhất trên thế giới trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10.

ly do thi truong chung khoan sut giam manh
VN-Index đã lao dốc mất hơn 30% so với đỉnh, là một trong những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (Ảnh chụp màn hình đồ thị kỹ thuật VN-Index).

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu thì đà sụt giảm của thị trường chứng khoán có thể được lý giải như thế nào?

Thứ nhất, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng thì mặt bằng định giá cổ phiếu về mặt lý thuyết sẽ bị giảm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, thực tế lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam kể từ đầu năm mới chỉ tăng 0,5 – 1,5% tùy kỳ hạn nhưng giá cổ phiếu lại giảm rất sâu.

Thứ hai, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2020-2021 đã tăng rất mạnh và khá nóng. Khi thị trường không còn nhiều kỳ vọng về tăng trưởng thì những nhà đầu tư khôn ngoan đã bán ra, qua đó tạo áp lực với những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu với tỷ lệ margin cao, buộc các nhà đầu tư này phải chủ động bán ra. Quy mô nợ vay margin ở mức cao thì khi thị trường đi xuống, hoạt động bán giải chấp càng mạnh.

Thứ ba, một đặc trưng của thị trường chứng khoán là khi tăng thì thường tăng quá đà và khi xuống cũng xuống quá đà. Trong thời gian qua, chúng ta chứng kiến có rất nhiều cổ phiếu được đẩy giá quá cao so với giá trị (kỳ vọng ảo), còn hiện tại lại có rất nhiều cổ phiếu bị định giá quá thấp. Câu chuyện ở đây là doanh nghiệp vẫn hoạt động và tăng trưởng như vậy, nhưng so với vài tháng trước thì cổ phiếu công ty bị bán tháo do yếu tố tâm lý dẫn đến định giá dưới giá trị thực.

Bản chất của thị trường chứng khoán trong nhiều thời điểm thể hiện sự thái quá và chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế đó để có cách hành xử hợp lý. Những nhà đầu tư hiểu được quy luật này của thị trường họ sẽ bình tĩnh gom mua cổ phiếu bị định giá thấp khi thị trường hoảng loạn để rồi sau đó bán ra lúc hưng phấn, khi vẫn có người sẵn sàng trả giá mua vào dù định giá cổ phiếu đã rất cao. Bản lĩnh trong đầu tư nằm ở điểm này!

Hiện tại chứng khoán quốc tế như Mỹ, châu Âu, châu Á… đều đã cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, và nhiều nhà đầu tư thường nhìn vào diễn biến này để so sánh với thị trường trong nước. Thị trường tài chính là môi trường kinh doanh toàn cầu nên chắc chắn sẽ có tính đồng pha về mặt trung và dài hạn. Suốt năm 2020 và 2021, dòng tiền rẻ và dễ dãi đã đẩy định giá cổ phiếu lên mức cao, cho nên việc điều chỉnh là điều tất yếu sẽ xảy ra. Khi chứng khoán thế giới giảm thì chứng khoán Việt Nam cũng vậy và khi chứng khoán thế giới hồi phục thì chứng khoán Việt Nam cũng hồi phục – chúng ta có thể tin vào điều này.

Trong từng thời điểm có thể diễn biến sẽ khác nhau do thông tin cụ thể đến với mỗi thị trường không tương đồng, song sự “lệch pha” trong một vài phiên không nói lên nhiều điều. Bằng chứng là sau hai phiên Dow Jones bật mạnh thì đến phiên 5/10, VN-Index cũng lấy lại được hơn 26 điểm tương ứng 2,42%. Tất nhiên là mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều có những yếu tố riêng tác động đến kỳ vọng, tâm lý nhà đầu tư. Thế nên trong cùng pha giảm, có thị trường giảm 30% nhưng lại cũng có những thị trường chỉ giảm 15%, 20%.

Một số nhà đầu tư cho biết họ rất sốt ruột khi Dow Jones tăng dựng đứng nhưng VN-Index vẫn cắm đầu (tính cho đến phiên 4/10), và đặt ra nghi vấn thao túng phục vụ hoạt động bán khống (short) trên thị trường phái sinh hoặc đánh giá tiêu cực về chu kỳ thanh toán cổ phiếu T+2,5.

Tuy nhiên, khi tôi trao đổi vấn đề này với một số chuyên gia trong ngành thì họ đánh giá, việc rút gọn chu kỳ thanh toán cổ phiếu xuống còn 2,5 ngày (T+2,5) giúp vòng quay cổ phiếu nhanh hơn, các nhà giao dịch (trading) cổ phiếu có thể bán sớm hơn. Trong thị trường giá lên, T càng ngắn, vòng quay càng nhanh thì nhà đầu tư càng hào hứng, ngược lại khi giá xuống, khi mà sự hoảng loạn đang cực độ thì cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư sớm khiến họ bán nhanh hơn và càng khuếch đại hiệu ứng lên thị trường. Lỗi không phải ở T+2,5 mà đơn giản chỉ là thị trường đang xấu! Nhìn lại một tháng trước, trong nhịp hồi phục, T+2,5 đâu ảnh hưởng tới thị trường?

Còn về vấn đề thao túng, nếu nói ở một số cổ phiếu nhất định nào đó thì có thể (có những trường hợp đã được cơ quan chức năng điểm mặt chỉ tên và xử phạt), song nếu trên quy mô toàn thị trường với giao dịch hàng chục nghìn tỷ đồng thì các chuyên gia khẳng định, họ cảm thấy chưa thực sự thuyết phục. Chứng khoán sẽ luôn vận hành theo quy luật của thị trường và chúng ta không nên tìm kiếm các lý lẽ mang tính suy đoán chủ quan để đổ lỗi.

Số liệu thống kê cho thấy hiện các cân đối vĩ mô của Việt Nam vẫn được đảm bảo và nền kinh tế trên đà tăng trưởng. Thị trường chứng khoán xuống rồi sẽ có điểm phục hồi. Có điều, trước mắt nhiều chuyên gia đánh giá nhịp phục hồi lần này khó có thể vượt qua 1.300 điểm. Sau nhịp hồi, thị trường sẽ đi ngang cho đến ít nhất là quý I/2023 khi mặt bằng lãi suất đã ổn định.

Trong quá trình tạo đáy của thị trường, hầu hết cổ phiếu ở các nhóm ngành đều đã bị chiết khấu rất sâu không kể cổ phiếu tốt hay xấu, doanh nghiệp kinh doanh làm ăn khả quan hay tiêu cực. Chứng khoán lao dốc là điều không ai mong muốn, song đây cũng chính là thời cơ để những nhà đầu tư giữ vị thế tiền mặt có thể chọn lọc, tích lũy đầu tư vào những mã cổ phiếu đang được định giá hấp dẫn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích