Lương, tiền hỗ trợ với công chức phải tinh giản biên chế được tính sao?

Người phải tinh giản biên chế nếu thôi việc ngay sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, trợ cấp 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)…

luong tien ho tro voi cong chuc phai tinh gian bien che duoc tinh sao
Bộ Chính trị yêu cầu trong giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Ảnh: X.H).

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 108 năm 2014 của Chính phủ quy định, tinh giản biên chế hay giảm biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc mà cơ quan không thể bố trí, sắp xếp cho người đó công tác khác.

Người bị giảm biên chế sẽ được hưởng chế độ theo quy định gồm: chế độ nghỉ hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc khác ở tổ chức không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; thôi việc ngay hoặc sau khi học nghề và chính sách với người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc bổ nhiệm vào chức vụ khác có phụ cấp lãnh đạo thấp hơn.

Khi người phải tinh giản biên chế nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng các chế độ hưu trí; không bị trừ tỷ lệ lương hưu vì nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, các đối tượng này còn có thể được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu làm việc có đóng đủ BHXH, từ năm thứ 21 trở đi sẽ được trợ cấp mỗi năm 1/2 tháng tiền lương.

Khi chuyển sang công việc khác ở những tổ chức không hưởng lương từ ngân sách, người phải tinh giản biên chế sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp 1/2, tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.

Người phải giảm biên chế nếu thôi việc ngay sẽ được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, trợ cấp 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH áp dụng với người có tuổi tối đa thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường hoặc nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi so với điều kiện bình thường mà không đủ điều kiện về hưu trước tuổi.

Khi công chức, viên chức thôi việc sau khi đi học nghề cũng sẽ được hưởng nguyên lương hiện hưởng, được đóng BHXH, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề không quá 6 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí khóa học tối đa 6 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; được trợ cấp 1/2 tháng lương cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Những cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo thuộc diện tinh giản sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ có phụ cấp thấp hơn hiện hưởng hoặc được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ hoặc khi hết nhiệm kỳ bầu cử. Nếu thời hạn này còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng.

Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế thế nào?

Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Tiền lương tháng được tính bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.

Cách tính tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế được thực hiện theo các quy định sau:

Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định 108. Tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu lương được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 04 năm 2019 của Bộ Nội vụ.

Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 2 Nghị định 108: Trước ngày 1/5/2013, hệ số mức lương được tính theo bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, bảng lương của Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc kế toán trưởng ban hành kèm theo Nghị định 205 năm 2004 của Chính phủ.

Từ ngày 1/5/2013 trở đi, hệ số mức lương được tính theo quy định tại bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách ban hành kèm theo Nghị định 51 năm 2013 của Chính phủ.

Thời gian tính chế độ tinh giản biên chế thực hiện theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Chế độ nghỉ hưu trước tuổi thực hiện theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 143 năm 2020 của Chính phủ và Văn bản số 4126 năm 2021 của Bộ Nội vụ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích