Lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu

Trên đây là một trong số rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của người lao động gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội tại Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” vừa diễn ra mới đây.

Mong ổn định việc làm, thu nhập đủ sống

Diễn đàn Người lao động năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức từ sáng kiến, tham mưu, kiến nghị với Quốc hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trở thành một cơ hội quý giá để cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao động được trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất ý kiến với Quốc hội. Do đó, tại Diễn đàn, vấn đề việc làm, thu nhập là một trong số các vấn đề được đại biểu người lao động phản ánh nhiều nhất, nhất là trong bối cảnh đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng mất việc, giảm giờ làm.

Lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu
Nữ công nhân H’CHUYÊN NIÊ nêu ý kiến tại Diễn đàn Người lao động năm 2023.

Nêu ý kiến tại Diễn đàn, nữ công nhân H’CHUYÊN NIÊ, công nhân Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với người lao động, đi làm trước hết là để có lương nuôi sống bản thân và gia đình, rồi để cống hiến xây dựng đất nước.“Vấn đề tiền lương được tất cả đoàn viên, người lao động quan tâm, nhất là với người lao động trực tiếp”- chị H’CHUYÊN NIÊ khẳng định.

Theo nữ công nhân này, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của người lao động, tuy nhiên trong thực tế, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng.

“Gần đây giá thịt lợn, nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động” nữ công nhân bày tỏ. Vì vậy, nữ công nhân H’CHUYÊN NIÊ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm giám sát, có giải pháp tiếp tục cải thiện mức lương công chức, viên chức, mức lương tối thiểu vùng để người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm động lực tiếp tục cống hiến cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước. “Thu nhập đủ sống cũng là một giải pháp phòng, chống tham nhũng và giữ chân công chức, viên chức ở lại trong hệ thống các cơ quan Nhà nước”, nữ công nhân nêu ý kiến.

Trong khi đó, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hồng, Công ty May 10 chia sẻ thêm rằng hiện nay, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra rất phổ biến khiến cho hàng triệu công nhân lao động thiếu hoặc mất việc làm, dẫn đến thu nhập thấp, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhiều công nhân lao động vướng vào “tín dụng đen”.

Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hồng, chưa khi nào người lao động mong muốn được đi làm như bây giờ, và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm mới, việc làm bền vững, đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động.

Sẽ xem xét thấu đáo để điều chỉnh tiền lương tối thiểu

Liên quan đến vấn đề tiền lương và thu nhập, trao đổi tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung thông tin, đầu tháng 8 tới, Hội đồng lương Quốc gia sẽ họp bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, theo dự kiến ngày 8/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp với sự tham gia của các bên liên quan gồm đại diện doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), đại diện người lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) để xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… như thế nào, trên cơ sở đó sẽ tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2024 hay không.

“Nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Quốc hội đã nhiều lần có Nghị quyết về vấn đề này, gần đây nhất là nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương bao gồm khu vực công và khu vực tư tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực.

Khi chưa cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, chỉ số lạm phát…“Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi tiền lương là thu nhập của người lao động, là chi phí của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban xã hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương để đảm bảo mức sống cho người lao động.

Tú Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích