Lượng khí thải Metan toàn cầu đang ở mức tăng kỷ lục

Lượng khí thải Metan toàn cầu đang ở mức tăng kỷ lục

Lượng khí thải metan trên thế giới đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chủ yếu do hoạt động của con người và điều này đang đe dọa các mục tiêu về khí hậu.

“Metan đang tăng nhanh hơn so với bất kỳ loại khí nhà kính chính nào và hiện cao gấp 2,6 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp”, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế dưới sự bảo trợ của Dự án Carbon Toàn cầu cho biết.

Cụ thể, báo cáo tiết lộ rằng các hoạt động của con người hiện chịu trách nhiệm cho ít nhất 2/3 lượng khí thải metan toàn cầu. Bất chấp những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế phát thải, các nguồn khí thải metan do con người tạo ra đã tăng 20% trong trong hai thập kỷ qua.

Dữ liệu ghi nhận được cho thấy nồng độ khí metan trong khí quyển đạt 1.923 phần tỷ vào năm 2023, cao gấp 2,6 lần so với thời tiền công nghiệp và là nồng độ cao nhất trong 800.000 năm qua.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Xu hướng này “không thể tiếp tục nếu chúng ta muốn duy trì khí hậu ở mức có thể sinh sống được”, các nhà nghiên cứu viết rõ và cho biết thêm rằng, quỹ đạo hiện tại sẽ khiến mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris gặp rủi ro.

Metan là một loại khí nhà kính cực mạnh, có nguồn gốc từ các nguồn tự nhiên như đất ngập nước hoặc các nguồn do con người gây ra (nhân tạo) như nông nghiệp và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Trong 20 năm đầu tiên sau khi được thải ra, loại khí này làm nóng bầu khí quyển nhanh hơn CO2 gần 90 lần.

Các nhà khoa học nhấn mạnh việc giải quyết khí thải metan là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì hiện tại, không có công nghệ nào có khả năng loại bỏ trực tiếp loại khí này khỏi khí quyển.

Năm quốc gia phát thải khí metan lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc (16%), Ấn Độ (9%), Mỹ (7%), Brazil (6%) và Nga (5%).

Báo cáo cũng phát hiện ra rằng nông nghiệp, bao gồm chăn nuôi và trồng lúa, vẫn là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm 40% lượng khí thải metan do con người gây ra trên toàn cầu. Hoạt động nhiên liệu hóa thạch chiếm 34%, xử lý chất thải 19% và đốt sinh khối 7%.

Lượng khí thải đã tăng lên trong các lĩnh vực này do hoạt động gia tăng ở các khu vực đang phát triển và việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng.

Đã có những cam kết quốc tế quan trọng nhằm giảm lượng khí thải metan, trong đó có Cam kết khí metan toàn cầu do 150 quốc gia ký kết, với mục tiêu giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030. Tuy nhiên, theo nhà khoa học Rob Jackson của Đại học Stanford – chủ tịch Dự án Carbon toàn cầu, các mục tiêu của cam kết này hiện “có vẻ rất xa vời” khi có rất ít bằng chứng cho thấy thế giới đang đạt được tiến bộ trong các cam kết cắt giảm lượng khí thải metan.

Từ năm 2020 đến 2023, dữ liệu vệ tinh cho thấy lượng khí thải metan đã tăng thêm 5%, trong đó, sự gia tăng lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc, Nam Á và Trung Đông, chủ yếu từ khai thác than và khai thác dầu khí.

Nhà nghiên cứu Marielle Saunois của Đại học Paris-Saclay ở Pháp cho biết “chỉ có Liên minh châu Âu và Australia dường như đã giảm lượng khí thải metan từ các hoạt động của con người trong hai thập kỷ qua”. Và nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, báo cáo cảnh báo rằng chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Cam kết khí metan toàn cầu.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích