Lượng doanh nghiệp rời thị trường cao hơn thời điểm dịch bệnh

Đáng chú ý, lượng doanh nghiệp khó khăn phải rời thị trường trong 7 tháng năm 2022 lên đến 94.600 doanh nghiệp, cao hơn gần 15.000 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Lượng doanh nghiệp “sinh ra” giảm 3 tháng liên tiếp

Theo số liệu cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), trong tháng 7 này, cả nước có gần 13.200 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký là 123,9 ngàn tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 106,2 ngàn lao động.

So với tháng liền kề trước đó, dù kết quả này tăng 2,4% về vốn đăng ký và tăng 37,6% về số lao động nhưng lại giảm 0,7% về số doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập bị sụt giảm so với tháng liền kề trước đó. Kết quả doanh nghiệp mới thành lập sụt giảm này cho thấy phần nào ngược chiều với bối cảnh nền kinh tế trong nước được các tổ chức quốc tế đánh giá đang có chiều hướng tốt lên và thuận lợi hơn so với những tháng đầu năm khá nhiều.

Cụ thể số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập trong tháng 5 là 13.370 doanh nghiệp và tháng 6 là 13.272 doanh nghiệp, đều bị sụt giảm so với con số hơn 15.000 doanh nghiệp mới ra đời của tháng 4/2022.

Dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch do Covid-19, lượng doanh nghiệp mới thành lập của 7 tháng trong năm 2022 vẫn cao hơn khá nhiều.

Theo MPI, tính chung 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 89.400 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 1.006,1 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 621 ngàn lao động, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, giảm 5,6% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 44.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 lên 133.700 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, bình quân một tháng có 19.100 doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động.

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp mới thành lập sụt giảm 3 tháng liên tiếp, tình trạng doanh nghiệp khó khăn phải đóng cửa kinh doanh tiếp tục gia tăng. Ảnh minh họa: TL

Doanh nghiệp rời thị trường cao hơn thời kỳ bị dịch bệnh

Ở chiều ngược lại, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 94.600 doanh nghiệp khó khăn ngừng kinh doanh phải rời thị trường. Cụ thể cả nước có 56.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 39,2%); 28.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 0,6%); gần 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 9%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính ra, bình quân một tháng cả nước có 13.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Dù lượng doanh nghiệp rời thị trường không nhiều bằng lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp phải rời thị trường nhiều hơn.

Cụ thể trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tức kết quả 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rời thị trường cao hơn gần 15.000 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp đóng cửa này còn có các yếu tố khác như thị trường trong nước và bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, xung đột Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19 lan rộng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam…

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích