Lực đẩy cho thị trường bất động sản 2022

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 về cơ bản sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế nói chung.

Cùng với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 128/2021/NQ-CP về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Chiến lược phát triển nhà ở 2021 – 2023 cũng đang dần hoàn thiện…, mức độ phục hồi của thị trường được dự báo rất khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức rất lớn đan xen như các chính sách về tài chính – ngân hàng siết cho vay bất động sản, chứng khoán (bao gồm siết phát hành trái phiếu bất động sản) để ngăn ngừa bong bóng; áp lực tăng giá bất động sản sẽ rất lớn bởi các lý do lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng, nguồn cung chưa được dồi dào…

Đánh giá từ DKRA Vietnam cho thấy, riêng bất động sản thuộc loại hình mặt bằng bán lẻ vẫn còn nhiều thách thức do mức giá thuê đã quá cao từ năm 2019 về trước. Trong giai đoạn dịch bệnh và siết chặt giãn cách xã hội, xu hướng mua sắm online được đẩy mạnh, nhu cầu mặt bằng bán lẻ cũng bị hạn chế. Còn bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch.

Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, tín dụng cho bất động sản vẫn khả quan khi năm 2021, tín dụng bất động sản tăng 9%, trong đó có cả đầu tư, nhà ở; bên cạnh đó còn vốn tư nhân, vốn FDI, phát hành trái phiếu.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài trong 2 năm, với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, để làm đòn bẩy cho phục hồi kinh tế, trong đó hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Về phía chính sách tiền tệ phục vụ an sinh xã hội, sẽ có 38.400 tỷ đồng cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cá nhân vay, mua nhà, xây mới và cải tạo nhà ở xã hội…

Ngoài ra, còn có gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tổng quy mô ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại… Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện, các “nút thắt” về pháp lý cũng đang dần được tháo gỡ. Chính phủ đang chuẩn bị cho sửa nghị định liên quan đến quản lý khu công nghiệp, trong đó quy định rõ, trong khu công nghiệp phải có nhà ở cho công nhân, rút kinh nghiệm dịch bệnh vừa qua.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua 1 Luật sửa 8 Luật tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xây dựng và bất động sản, mặc dù vẫn còn một số điểm tiếp tục bàn thảo tiếp.

Ngoài ra, Luật Đất đai được dự kiến trình Quốc hội xem xét, sửa đổi trong năm 2022, từ đó các Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Đối với hỗ trợ người mua nhà (nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động…), Chính phủ phối hợp với các ngân hàng đang chuẩn bị kế hoạch và triển khai. Các dự án đang bị vướng mắc, treo do vấn đề thủ tục pháp lý nếu được tháo gỡ cũng sẽ góp phần giải phóng một lượng đáng kể nguồn cung và góp phần thúc đẩy thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các gói giải ngân dự án hạ tầng giao thông cho mục đích phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19. Cùng với hàng loạt cơ chế, chính sách, định hướng khác thì đây sẽ là những điểm tựa, lực đẩy cho thị trường năm 2022.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, bất động sản luôn luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó. Một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực và được thụ hưởng. Đó là các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan hiện đã dần hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư…

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích