“Lục bát mỗi ngày” – Thơ là nhật ký buồn vui như đời

“Lục bát mỗi ngày” – Thơ là nhật ký buồn vui như đời

MTĐT –  Thứ sáu, 01/10/2021 10:51 (GMT+7)

LỤC BÁT MỖI NGÀY là tập thơ thứ 8, với gần ngàn bài, được chọn từ hàng vạn bài thơ do Nhà thơ Đặng Vương Hưng viết trong mấy chục năm qua, đánh dấu một giai đoạn sáng tác quan trọng trong cuộc đời của một nhà thơ mặc áo lính.

tm-img-alt
Nhà thơ Đặng Vương Hưng và 2 cảnh sách CHLB Đức, 2018.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1958, tức là ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Dậu (chỉ còn 2 ngày nữa đã là Tết Nguyên đán Mậu Tuất); quê gốc tại tỉnh Hưng Yên, sinh trưởng tại Yên Thế – Bắc Giang. Người cha của anh, cụ Đặng Văn Chấn (1920 – 2003) một Đội viên Du kích Bắc Sơn năm xưa, một lão thành Cách mạng của vùng đất thiêng “Cầu Vồng Yên Thế”.

Đặng Vương Hưng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam từ rất sớm. Anh tự nhận là người ít học, chẳng có bằng cấp chính quy gì cả, nhưng chịu đọc, tự học và ai cũng thấy anh đa tài, có khả năng viết nhiều thể loại khác nhau. Trong cuộc đời cầm bút hơn 40 năm, anh đã cho xuất bản và đứng tên tới hơn 50 cuốn sách các loại, trong đó có các tập thơ: Đang yêu (1988), Dâng hiến (1993), Thời tôi mang áo lính (1994), Lửa thức (1996), Gửi người trong mơ (1997), Học quên để nhớ (2001), Phố quê (2019)…
LỤC BÁT MỖI NGÀY là tập thơ thứ 8, với gần ngàn bài, được chọn từ hàng vạn bài thơ anh viết trong mấy chục năm qua, đánh dấu một giai đoạn sáng tác quan trọng trong cuộc đời của một nhà thơ mặc áo lính.

1- Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục bát Việt Nam và Kỷ lục gia Lễ hội Lục Bát

Thực ra, khởi đầu Đặng Vương Hưng cũng như nhiều nhà thơ khác đã thử bút và trải nghiệm bằng đủ các thể loại thơ, kể cả tự do không vần, nhưng cuối cùng anh đã chọn Lục Bát. Mà không, có lẽ chính Lục Bát đã chọn Đặng Vương Hưng mới đúng!

Hơn thế, Đặng Vương Hưng còn được xem như là Người sáng lập cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, với việc lập website www.lucbat.com từ 2008 và tổ chức Lễ hội Lục bát Việt Nam liên tục 11 năm (2009 – 2019), bằng kinh phí xã hội hoá hàng tỷ đồng, cho hàng ngàn người tham gia, đến từ khắp mọi miền đất nước; với tôn chỉ mục đích cao quý và nhân văn: Cùng chung tay góp sức để tôn vinh Lục Bát là Quốc thi và tiến tới là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại!

Năm 2018, Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam đã xác lập: Nhà thơ Đặng Vương Hưng là người đầu tiên tổ chức Ngày Hội Lục Bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất; với nhiều nghi lễ đặc trưng: Rước Thơ, Dâng hương Thơ và Phát lộc Thơ, Đọc Chúc văn Thơ Lục Bát và sắp đặt các Lục Bát quán…

Cũng năm 2018, Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã vinh dự được Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã tặng Bằng Tuyên dương Công đức, vì đã có thành tích xuất sắc trong việc nêu ý tưởng và phối hợp với Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ tổ chức Cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát kéo dài 6 năm (2012 – 2018) mang tên “Tổ quốc và Đạo pháp”, do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ giám khảo và chuyên môn.

Đặc biệt, năm 2019, nhà thơ Đặng Vương là người kết nối thực hiện thành công Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản văn hoá dân tộc” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, website Lục Bát Việt Nam, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức, thu hút hàng trăm tham luận có giá trị đến từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà thơ cả trong và ngoài nước; được dư luận báo chí, người yêu thơ đánh giá cao.

Đặng Vương Hưng là người cầm bút rất sớm và cũng thành công từ khi còn rất trẻ. Nghe kể, ngay từ năm 1976, khi vừa nhập ngũ, anh đã có thơ và truyện ngắn đầu tay được đăng trên Tạp chí Sáng tác Hà Bắc. Năm 1980, anh bắt đầu có thơ và truyện ngắn được in đều đặn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng năm đó, anh được chọn in chung tập truyện ngắn 2 tác giả với nhà văn Xuân Lục mang tên “Người bạn gái” (cũng là tên một truyện ngắn của Đặng Vương Hưng được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tháng 8 năm 1980). Cần nhớ là thời điểm ấy, còn đang cuối thời kỳ bao cấp, giấy và mực đều rất khan hiếm, nên việc ra sách riêng là chuyện xa xỉ và cực kỳ khó khăn! Hồi đó, các Nhà xuất bản còn chưa có cơ chế liên kết xuất bản cho các tác giả tự ấn hành tác phẩm của mình, nên bản thảo thường phải duyệt lên duyệt xuống qua bao nhiêu người mới đến được nhà in!

Năm 1982, khi Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc vận động sáng tác “Văn – Thơ và Ca khúc cho Thanh niên”, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn, Đặng Vương Hưng đã gửi một chùm thơ viết tại biên giới Lạng Sơn dự thi và bất ngờ vinh dự dành giải A “Thủ khoa” của Cuộc vận động, bởi hai thể loại Văn xuôi và Ca khúc chỉ có giải B. Chấm chung khảo thơ năm đó, có cả Nhà thơ Xuân Diệu – “Ông hoàng” thơ tình Việt Nam. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã thay mặt Ban Giám khảo đọc bài tổng kết “Chất trẻ trong hồn thơ”, hết lời ca ngợi anh lính trẻ Đặng Vương Hưng, với chùm thơ xuất sắc nhất. Tất cả các bài được giải cuộc vận động đó, sau này đều được đăng tải trong cuốn sách “Bản nhạc xanh” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.

Giải “Thủ khoa” cuộc vận động sáng tác nêu trên đã tạo “bệ phóng” cho Đặng Vương Hưng. Anh được cấp trên để mắt tới, nên cuối năm 1982 bất ngờ nhận được Quyết định của Tư lệnh Quân khu I điều động từ Sư đoàn 347 về làm Trợ lý Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu. Và cũng từ đây, Đặng Vương Hưng bắt đầu trở thành một cây bút làm báo chuyên nghiệp có thẻ và được kết nạp Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1990, anh xin chuyển ngành sang lực lượng Công an về Hà Nội làm xuất bản sách và làm báo Công an và trở thành một Nhà văn Việt Nam có “thương hiệu” trong mảng sách tư liệu chiến tranh. Năm 2012 Đặng Vương Hưng đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh “Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập chủ yếu là phần Đời và Lục Bát của Đặng Vương Hưng.

2- “Lục Bát mỗi ngày” là nhật ký buồn vui của cuộc đời chính tác giả

Đôi lúc tôi có ý nghĩ ganh tị với Đặng Vương Hưng, bởi sự sáng tạo các ý tưởng mới lạ và rất có duyên với văn hoá cộng đồng, trong đó có Lục Bát. Nhìn lại bản tóm tắt các công trình tác phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực sáng tạo khoa học xã hội và nhân văn, do Đặng Vương Hưng khởi xướng và trực tiếp tổ chức, thực hiện thành công trong khoảng 15 năm gần đây (được đăng tải ở phần cuối sách này), nhiều người sẽ “choáng” và tự hỏi: lấy đâu trí tuệ và nghị lực để một cá nhân làm được những việc để đời như thế?

Đặng Vương Hưng tự nhận mình là một trong những người đã may mắn được “sống nhiều”. Và anh giải thích khái niệm này khi công bố ý tưởng làm tủ sách “Chuyện đời tôi” (còn được gọi là “Tự truyện bình dân”) vào năm 2007: “Sống nhiều là dám sống, không gục ngã khi vận hạn, biết cách vượt lên chính mình, chấp nhận va đập với số phận và tạo nên ý nghĩa của cuộc đời mỗi người. Sống nhiều khác với sống lâu, bởi có không ít người sống lâu đến trăm tuổi, nhưng họ không làm gì cả, nên ý nghĩa cuộc đời họ vẫn không đủ để viết thành một trang sách”…

Đã có hàng trăm nhân vật đồng thời cũng là tác giả đã được Đặng Vương Hưng và nhóm cộng sự trợ giúp; họ đã tự kể, viết về những vận hạn, thăng trầm của cuộc đời mình và được tôn vinh. Tủ sách do Đặng Vương Hưng tổ chức, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã ấn hành hàng chục tác phẩm như thế. Họ có thể là một vị Tướng, một cựu chiến binh đã đi qua mấy cuộc kháng chiến, mình đầy thương tích. Họ cũng có thể là một người còn rất trẻ, nhưng bị mắc bệnh nan y, hằng ngày với đối diện với cái chết. Thậm chí, họ còn là những phạm nhân đang thi hành án trong trại giam, tham gia cuộc thi viết tự truyện “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”. Tất cả đều giống nhau một điểm: Họ đã vượt lên chính mình và chiến thắng chính mình!

Năm 2008, nhân tiến tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Quân đội nhân dân, Đặng Vương Hưng cho công bố ý tưởng và đề xuất tổ chức Cuộc vận động “Sưu tầm và Giới thiệu Kỷ vật kháng chiến” của Bộ Quốc phòng kéo dài 3 năm (2008 – 2010). Hai năm sau, nhân tiến tới kỷ niệm 70 năm Công an nhân dân, anh lại cho công bố ý tưởng và trực tiếp tham gia Ban tổ chức Cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử Công an” của Bộ Công an cũng trong 3 năm (2012 – 2015). Cả hai cuộc vận động này, đều sử dụng kinh phí xã hội hoá vận động tài trợ, với số tiền lên tới 22 tỷ đồng. Có lẽ trong lịch sử sưu tầm kỷ vật của các Bảo tàng ở Việt Nam, đó sẽ là 2 sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, rất khó có ai làm lại được như Đặng Vương Hưng! Đó là chưa kể đến mấy năm gần đây, anh dành tâm huyết cho việc xây dựng TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH – một Diễn đàn và Câu lạc bộ phi lợi nhuận cùng tên; có điều lệ tổ chức hoạt động, pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, với hàng trăm ngàn thành viên tham gia.

Sở dĩ tôi viết hơi dài về những kỷ niệm và chuyện đời của Đặng Vương Hưng, rồi thống kê các sự kiện công trình văn hoá như trên là để nhấn mạnh một điều: Anh là người có dáng vẻ bên ngoài hiền lành, thậm chí hơi “nhà quê” lẫn với “nhà binh”, nhưng lại quyết liệt đến liều lĩnh khi vào những việc chung vì cộng đồng và anh đã rất thành công!

Đến đây, sẽ có người tự hỏi: Vậy chúng liên quan gì đến tuyển tập thơ LỤC BÁT MỖI NGÀY với dung lượng cả ngàn trang bạn đang có trong tay? Xin thưa: Tất cả những buồn vui nêu trên, bạn đều tìm thấy trong tuyển thơ này! Dĩ nhiên, chúng được Đặng Vương Hưng trình bày bằng ngôn ngữ của Lục bát.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy một chi tiết rất đặc biệt trong LỤC BÁT MỖI NGÀY: Chỉ trừ phần thơ giai đoạn từ 2005 – 2016, còn lại hầu hết tất cả các bài thơ khác có trong tập, giai đoạn 5 năm gần đây, bên dưới mỗi bài đều ghi ngày và tháng rất rõ ràng. Thậm chí ở nhiều trang, ngày và tháng gần như liên tục nối nhau. Nói cách khác, LỤC BÁT MỖI NGÀY không chỉ là Tuyển tập 40 năm (1980 – 2020) sáng tác Thơ Lục bát của Đặng Vương Hưng, mà chính là một cuốn Nhật ký cảm xúc buồn vui cuộc đời của tác giả!

Nội dung của Tuyển tập này gồm 3 phần chính: Phần thứ Nhất là “Học quên để nhớ”, với 46 bài Lục Bát và Lời bình xuất bản lần đầu năm 2001. Tác phẩm đã được tái bản và nối bản nhiều lần với tổng cộng gần 100.000 bản in. Phần thứ Hai có tên là Lục Bát mỗi ngày” với gần 1.000 bài Lục Bát, được chia làm 6 chủ đề nhỏ: Từ năm 2005 đến 2015 mang tên “Cảm ơn cuộc đời!” với 48 bài; Năm 2016 có chủ đề “Trái tim người lính”, với 126 bài; Năm 2017 mang tên “Về quê nhặt cỏ hái rau” với 123 bài; Năm 2018 mang chủ đề “Bùa mê xứ người” với 263 bài; năm 2019 mang chủ đề “Đàn ông đã cũ” với 172 bài và năm 2020 mang chủ đề “Chắc gì để được cho đời mấy câu?” với 172 bài. Phần thứ Ba là “Dư luận bạn viết và bạn đọc” tập hợp một số bài viết cảm nhận, đánh giá, phê bình LỤC BÁT MỖI NGÀY của nhiều bạn viết và bạn đọc.

3- Viết mấy câu chơi mà như “Phù thuỷ” Sáu tám

Hãy nghe nhà thơ Đặng Vương Hưng tâm sự về quan niệm sáng tác mỗi ngày: Mỗi ngày viết mấy câu chơi / Nhặt đầy yêu thích, đánh rơi vui buồn / Mai sau nước chảy về nguồn / Nhớ nhau đọc lại sẽ luôn mỉm cười. (Thay lời đề từ trước phần thơ “Lục bát mỗi ngày”).

Như thế là rất rõ ràng, Đặng Vương Hưng chỉ viết chơi thôi mà, nhưng cái thú chơi tao nhã tài hoa này đâu phải ai muốn cũng thực hiện được! Đọc thơ anh, nó giúp ta ngộ ra nhiều điều giản dị trong cuộc sống đã và đang diễn ra quanh mình. Có cảm nhận bất cứ sự vật hiện tượng nào qua con mắt của Đặng Vương Hưng cũng có thể thành Thơ Lục Bát. Hầu như anh không né tránh đề tài nào cả: Buồn vui, yêu ghét, mắng chửi, thất tình, lẳng lơ, quên nhớ, ghen tuông, say rượu, ngủ mê… Bởi đời người ngắn lắm, nên Đặng Vương Hưng mới tự hỏi mình: Kiếp này trót mộng với mơ /Giời hành bắt phải làm thơ mỗi ngày… / Kiếp sau còn bị giời đày / Làm thơ Lục Bát mỗi ngày nữa không? (Trót).

Trước hết là nỗi buồn và niềm vui. Nếu dùng máy tìm kiếm thống kê và so sánh sẽ thấy tuyển tập này có có những con số hết sức thú vị: 278 chữ “Buồn” và 222 chữ “Vui”. Thì ra thơ Đặng Vương Hưng buồn nhiều hơn vui. Ngay những bài đầu tiên trong phần thứ Hai của “Lục Bát mỗi ngày” đã là bài “Ngồi buồn”: Ngồi buồn chẳng biết làm chi / Hét lên một tiếng, có khi… hết buồn? Và “Hi vọng” trong thất vọng tột cùng: “Cho dù hy vọng mong manh / Cho dù mây trắng trời xanh xa vời / Cho dù còn lại mình thôi /Cho dù đã cạn tình người trong nhau”. Nhưng cách hành xử của Đặng Vương Hưng mới lạ, anh không trách móc mà lại “Cảm ơn cuộc đời” vì chính nỗi buồn đó: “Nếu không có những nỗi buồn / Làm sao hiểu được ngọn nguồn niềm vui? Vì vậy: “Cảm ơn đời đã đắng cay / Cho ta bùi ngọt đủ đầy lớn khôn // Cảm ơn em đã giận hờn / Cho ta biết được mình còn đang yêu…”.

Lại tìm kiếm thống kê và so sánh tiếp, sẽ thấy 415 chữ “Thương”, 657 chữ “Yêu”. Đọc tuyển thơ này, sẽ có nhiều người thốt lên: Sao Đặng Vương Hưng yêu nhiều thế và đa tình thế! Xin đừng vội trách nhà thơ, bởi như Xuân Diệu đã nói “Làm sao sống được mà không yêu / Không nhớ không thương một kẻ nào”. Vì thế, Đặng Vương Hưng đã tự thú: “Từ ngày dan díu với thơ / Đắm say cũng lắm ngẩn ngơ cũng nhiều //Giời sinh ra đã biết yêu / Đa tình nên cũng định liều mấy phen // Cũng may anh đã có em / Cũng may giời chẳng đánh ghen mấy lần // Sống cho trọn kiếp phong trần / Cuối đời còn lại mấy vần thơ thôi…” (Tặng người tôi yêu). Đa tình, nhưng rất may là nhà thơ đã biết điểm dừng, nên chủ yếu “Yêu trong mơ” là chính thôi. Trong tuyển Lục Bát này có tới 420 chữ “Mơ”. Thôi thì đủ thứ mơ: Đêm mơ, Ngày mơ, Nằm mơ và cả Ngồi mơ… Cũng bởi “Mơ” nhiều như thế, nên mới “Nhớ” nhiều và trong cuốn sách này có đến 604 chữ “Nhớ”: Ngoài bài “Nỗi nhớ” được Đặng Vương Hưng viết tròn 40 năm trước, đã “đóng đinh” vào một thế hệ bạn đọc, được rất nhiều người chép trong sổ tay, thì còn hàng trăm bài khác nữa có nhớ nhung trong đó: Bỗng nhiên cứ nhớ một người / Bỗng nhiên lại muốn mỉm cười cùng ai…// Mình thì mong nhớ người ta / Người ta chẳng biết để mà nhớ mong…// Người nào bán nhớ mua quên / Bán yêu mua ghét, bán phiền mua vui?…// Ta còn vương vấn rất nhiều / Gửi người tất cả những chiều nhớ thương…// Một mai quên hết dại khờ / Chỉ còn nhớ cái hững hờ đẩu đâu…”.

Cũng vì yêu trong mơ và nhớ nhiều như thế, nên Đặng Vương Hưng rất hay “Tưởng tượng”. Trong những bài thơ tình của mình, anh sử dụng tối đa trí tưởng tượng và hình dung ra đủ mọi cung bậc, sắc thái tình cảm của người đã yêu, đang yêu, yêu đơn phương và cả… thất tình. Vì tưởng tượng và hình dung nên trong thơ mình, Đặng Vương Hưng không khẳng định một điều gì, anh rất thích dùng hai chữ “Hình như”. Trong tuyển tập thơ này có tới 145 “Hình như”: Hình như khế chẳng còn chua/ Mía không còn ngọt, đền chùa bớt thiêng?// Hình như chưa tới tháng Giêng/ Hoa xoan đã rụng, láng giềng xa nhau…// Hình như đã quá mùa cau/ Mà sao cứ tiếc lá trầu không vôi?// Hình như người hiểu nhầm thôi/ Chứ làm sao nỡ mồ côi cuộc tình!// Bỗng nhiên nhìn lại giật mình…/ Ai đang bảo có, mà hình như không?(Có và không); Áp tay lên ngực mà xem/ Hình như ai cũng khát thèm được yêu (Áp tay lên ngực); Hình như thu đã già rồi/ Yếm nâu hóng gió hay ngồi đợi ai? (Yếm nâu); Hình như anh đã hẹn em?/ Cà phê phố cũ chờ xem còn gì// Nhận lời chưa kịp rủ đi/ Quán xưa đã đóng cửa vì vắng tanh// Hình như em lỡ hẹn anh?/ Một lần không đến mong manh đợi chờ (Hẹn); Hình như mình cũng đáng yêu?/ Đắm say mê muội định liều mấy phen// Cảm ơn em chẳng đánh ghen/ Cảm ơn đời cũng đã quen nhân từ…// Bây giờ ai bảo… à ừ// Quên quên, nhớ nhớ… hình như sắp già? (Hình như mình cũng…); Hình như tiếng chó cắn ma/ Làng bên bà lão sắp xa cõi trần?// Hình như trẻ khóc mấy lần/ Vẳng nghe chim lợn lúc gần lúc xa… (Đêm buồn).

Trong LỤC BÁT MỖI NGÀY không hiếm những bài và những câu được nhiều người đọc yêu thích. Nếu bạn là đàn ông có tuổi, chắc chắn sẽ đồng cảm với bài “Đàn ông đã cũ”: Đàn ông đã cũ như ta / Làm sao yêu nổi đàn bà mới nguyên?// Hết thời trong sáng hồn nhiên / Chỉ còn gàn dở với phiền phức thôi!// Cái cây sắp héo khô rồi / Làm sao nảy lộc, xanh chồi mà mơ?// Cuộc tình chỉ có trong thơ / Đàn ông đã cũ giả vờ đáng yêu… Còn nếu bạn là đàn bà, chắc chắn đã có những giây phút nghĩ đến cảm xúc “Anh về ở với em không”: Anh về ở với em không? / Cho dù qua tuổi má hồng, tóc xanh / Ngượng ngùng gì “chú” với “anh” / Chỉ yêu là đủ để thành núi sông…// Anh về ở với em không? / Mùa xuân chưa đến, mùa đông còn dài / Ngày đừng thấp thỏm đợi ai / Đêm đừng mơ ước bờ vai bóng hồng…

Không chỉ thơ tình, kể cả mảng thơ thế sự và cuộc đời, có những bài Đặng Vương Hưng viết ngắn, nhưng tính khái quát rất cao: Ngủ mơ nghe tiếng thạch sùng/ Nhớ đêm mưa dột trên mùng bà tôi// Miếng trầu khô miệng bình vôi/ Còng lưng vẫn chiếc áo tơi ra đồng// Đèn dầu đợi suốt đêm đông/ Chồng con ra trận mãi không thấy về…// Dáng bà cong cả triền đê/ Đội mưa, cõng nắng, chở che suốt đời// Lớn lên biết nhớ thương Người/ Chỉ còn nấm mộ bà tôi giữa đồng… (Nhớ bà).

Người viết bài này tuy không sáng tác Lục Bát, nhưng đã nghiên cứu thể loại thơ thuần Việt này từ lâu. Lục Bát là một trong những thể thơ cổ, đã có lịch sử hàng ngàn năm. Nó là “xương sống” của các làn điệu dân ca, ca dao, là lời ăn tiếng nói của ông bà ta xưa. Ai cũng công nhận Lục Bát dễ làm nhưng khó hay.
Lục Bát là phép thử cho tất cả những người làm thơ bằng tiếng Việt. Ngôn ngữ của họ phải cực kỳ phong phú và không ngừng biến đổi thì đọc mới không bị nhàm chán. Đó là phép biến hoá mầu nhiệm của 14 chữ (6 + 8 mà không phải ai cũng làm được. Trên các website, đặc biệt là trên mạng xã hội hiện nay, có nhiều bài người ta ngộ nhận là Lục Bát, nhưng thực chất đó chỉ là ghép vần 6 chữ + 8 chữ. Dạng bài này phần nhiều là diễn ca, đọc đến đâu trôi tuột tới đó, hiểu rõ ràng mọi điều, không hề có sự hàm súc và đa nghĩa, nên không phải Thơ. Họ không biết rằng thơ ca phải là tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn, sự thăng hoa của cảm xúc, sự tan chảy của tư duy và tất cả được hoà làm một!

Đặc điểm Lục Bát của Đặng Vương Hưng là rất ngắn. Hầu hết các bài được xếp gọn trong một trang sách. Về cơ bản, chúng rất chuẩn vần và niêm luật. Hơn thế, câu chữ trong thơ anh rất giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, gần gũi với đời thường. Đặng Vương Hưng giống như một “Phù thuỷ” Sáu Tám. Nhiều bài thơ của anh cứ tự nhiên như một câu nói, nhưng lại rất Lục Bát. Anh có cái tài chuyển tải tất cả các chi tiết đời sống và mọi cung bậc cảm xúc của con người thành thơ. Chính vì thế mà Lục Bát Đặng Vương Hưng dù không nhiều bài toàn bích, nhưng cũng không hiếm câu hay và rất đa nghĩa. Ai đọc cũng thấy có bóng dáng của mình hoặc người thân trong đó. Vì anh đã nói hộ cho suy nghĩ của rất nhiều người.

tm-img-alt
Những cuốn ấn phẩm “Lục bát mỗi ngày” được đóng hộp, đã sẵn sàng gửi tới nhà riêng theo yêu cầu của bạn đọc, kèm theo lưu bút và chữ ký mực tươi của tác giả.

Nếu bạn là người yêu Thơ Lục Bát và đọc kỹ LỤC BÁT MỖI NGÀY, thì tôi tin chắc bạn sẽ tìm được cho mình một bài yêu thích và một câu tâm đắc nhất trong tuyển tập thơ đồ sộ này.

Trong cuộc đời một người cầm bút, không dễ gì có được tác phẩm thơ ngàn trang được dư luận quan tâm và bạn đọc chào đón như LỤC BÁT MỖI NGÀY. Xin chúc mừng bạn tôi – Nhà thơ Đặng Vương Hưng với một tuyển tập xứng đáng để đời!

Berlin – CHLB Đức, tháng 8/2021
Lê Đình Thắng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích