Luật TC&QCKT và những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước
Cụ thể, đối với hệ thống pháp luật về TC&QCKT, Luật TC&QCKT được ban hành năm 2006 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về TC&QCKT của nước ta. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về TC&QCKT của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành, với quy định còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnhcác vấn đề có liên quan đến TC&QCKT của nước ta.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của hệ thống văn bản pháp luật trước đây về TC&QCKT đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, Luật TC&QCKT đã khắc phục được các bất cập tồn tại nhiều năm trong hệ thống văn bản pháp luật, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật về TC&QCKT, làm cho hệ thống văn bản pháp luật về TC&QCKT của nước ta tiến gần hơn với hệ thống của nhiều nước trên thế giới.
Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, với vai trò là một văn kiện pháp lý quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về TC&QCKT, kết quả thi hành Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã cho thấy các quy định của Luật TC&QCKT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đảm bảo sự an toàn, an tâm cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống cho toàn xã hội.
Kể từ khi được ban hành, Luật TC&QCKT đã có những tác động tích cực đến hệ thống pháp luật về TC&QCKT, sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Ảnh minh hoạ
Bằng những quy định có tính tương thích với pháp luật, thông lệ quốc tế, Luật TC&QCKT đã từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, không chỉ của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước mà cả các hoạt động kinh doanh có yếu tố nước ngoài, từ đó tạo thuận lợi cho việc hội nhập kinh tế quốc tế. Luật TC&QCKT tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quanTC&QCKT, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, ổn định tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.
Đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành Luật TC&QCKT là một bước tiến mới trong việc thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế bảo hộ TC&QCKT, đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Là thành viên của WTO và tham gia Hiệp định WTO/TBT về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, việc ban hành Luật TC&QCKT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khẳng định các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Về cơ bản, các quy phạm pháp luật liên quan tới xây dựng, công bố, ban hành TC&QCKT, đánh giá sự phù hợp đã đáp ứng các yêu cầu tối thiểu đặt ra của Hiệp định WTO/TBT. Bên cạnh việc tuân thủ các điều ước quốc tế quan trọng nhất về TC&QCKT, Luật TC&QCKT đã tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về TC&QCKT của các nước phát triển để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam.
Việt Nam đã ký 17 FTA, trong đó có những đối tác quan trọng như Anh, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Úc, đặc biệt Việt Nam đã hoàn tất một số hiệp định thế hệ mới mang tính chiến lược như EVFTA, CPTPP, RCEP, EAEU – VN FTA. Các FTA sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam, giúp định hướng hoạt động thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác.
Trong các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các quy định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp) là những quy định không thể thiếu như tại Chương 5 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Chương 6 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Chương 8 Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chương 6 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA), Chương 6 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA).
Đối với các cam kết trong những thỏa thuận thương mại tự do nêu trên, pháp luật về TC&QCKT của Việt Nam đều tương thích. Về cơ bản, các nghĩa vụ mang tính bắt buộc hoặc đã được quy định trong Luật TC&QCKT hoặc đã được quy định tại các Luật liên quan, hoặc được hướng dẫn cụ thể bằng các Nghị định quy định chi tiết và các Thông tư hướng dẫn thi hành (Bảng rà soát FTA và Luật TC&QCKT theo Phụ lục VIII kèm theo).
Đến nay, Bộ KH&CN đã ký kết 26 thỏa thuận liên quan đến tiêu chuẩn với các quốc gia trên thế giới. Các đối tác ký kết Hiệp định đa dạng theo mức độ phát triển và nằm nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Các thỏa thuận đưa ra các nguyên tắc chung trong hợp tác về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không đưa ra các quy định cụ thể về việc xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn…
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với việc triển khai, thực hiện các FTA thế hệ mới, hệ thống TC&QCKT mà trọng tâm là Luật TC&QCKT cũng cần được đánh giá một cách toàn diện để không chỉ đáp ứng các nghĩa vụ trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, mà còn tăng khả năng tiếp cận với hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời phù hợp với lộ trình hội nhập TC&QCKT của Việt Nam trong thời gian tới.
Phong Lâm