Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Không bổ sung nước khoáng và nước thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Không bổ sung nước khoáng và nước thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh
Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đồng thời, thống nhất không bổ sung nước khoáng và nước thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của dự luật.
Tham dự Phiên họp về phía Chính phủ và các cơ quan hữu quan có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.
Tại Phiên họp, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tóm tắt 07 vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã rà soát, bổ sung các nội dung như tại khoản 1 và sửa đổi khoản 2 dự thảo Luật; giữ nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đồng thời, không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn.
Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung khoản 1 Điều 35 về căn cứ, nguyên tắc; khoản 2,3,4 Điều 35 về giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khoản 3,5 Điều 35 bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến lượng mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa để dự báo lượng nước theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước; bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ có liên quan và UBND các tỉnh trên lưu vực sông trong hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước tại khoản 5 Điều 35.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, để tránh chồng chéo trong quy định pháp luật về quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 43 dự thảo Luật. Còn các nội dung cụ thể về khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước.
Về đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước: dự thảo Luật đã bổ sung 04 điều quy định cụ thể về nguyên tắc cấp phép, đối tượng phải đăng ký, cấp phép khai thác sử dụng nước, điều kiện cấp phép tại các Điều từ 53 đến 56. Về quy mô để làm căn cứ cấp phép sẽ được Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tính đặc thù của nước luôn biến động theo thời gian và không gian.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định đã được thực hiện ổn định thời gian qua trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước hiện hành. Về thành phần hồ sơ, nội dung, trình tự, thủ tục cấp phép, gia hạn, điều chỉnh giấy phép…sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Về phí, lệ phí cấp phép sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí nên xin phép không quy định trong dự thảo Luật;…
Liên quan đến quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước: Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 03 mức độ: Khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.
Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước;…
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bổ sung cơ chế phối hợp giữa bộ TN&MT với các Bộ có liên quan; trách nhiệm của UBND các cấp.
Ngoài ra, về tổ chức lưu vực sông, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 81 quy định chức năng của tổ chức lưu vực sông là tổ chức phối hợp liên ngành, hoạt động kiêm nhiệm; ..
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 15, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 98 lượt ĐBQH phát biểu tại tổ, với 439 ý kiến góp ý và 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường, với 112 ý kiến góp ý. Trên cơ ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức tham vấn và học tập kinh nghiệm của các chuyên gia Úc, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Qua Báo cáo của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến 432 ý kiến (78,4%); giải trình 119 ý kiến (21,6%). Các ý kiến cơ bản được tiếp thu, có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Gợi ý một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: Nội dung tiếp thu đã phù hợp với ý kiến ĐBQH, ý kiến của UBTVQH tại thông báo Kết luận số 2656/BC-TTK ngày 26/7/2023?; Phạm vi điều chỉnh của Luật; Điều hòa, phân phối tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt; Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, việc sử dụng công nghệ để tuần hoàn, tái sử dụng nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước;…
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác hoàn thiện dự thảo luật, tiếp thu giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung tại dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ tán thành không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh luật này như các lý do được nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu.
Đối với các nội dung khác, về đăng ký cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định đối với nước ngầm cần cân nhắc quy định chặt chẽ. Phân tích thực trạng nước ngầm nếu khai thác không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy trên thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay tại dự thảo luật cần có những quy định rõ, nhằm kiểm soát hiệu quả vấn đề này.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về tổ chức lưu vực sông là điều mới, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không cần quy định vào dự thảo luật. Bởi vì, nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ theo như quy định Luật Tổ chức Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng phân tích và lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát như: Quy định về xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo; điều khoản chuyển tiếp;… để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu đã tiếp thu 78,4% ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình 26,1% ý kiến đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 07 điều mới, bỏ 04 điều, sửa đổi 75 điều, tăng 03 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Tán thành việc không điều chỉnh nước khoáng và nước nóng thiên nhiên tại dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lý giải, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao (điều kiện khai thác, cấp quyền khai thác, giá trị khai thác, sử dụng…). Bên cạnh đó, hiện nay loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và cho đến nay chưa có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, không nên bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật là hoàn toàn phù hợp.
Liên quan đến dữ liệu về quản lý tài nguyên nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là nền tảng cơ bản để các cơ quan quản lý và người dân chọn mô hình sử dụng hợp lý,… Các thông tin dữ liệu phải dựa trên các nghiên cứu khoa học và hiện trạng tài nguyên nước. Từ việc phân tích hạn chế của cơ sở dữ liệu này hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần có dữ liệu thống nhất từ Trung ương tới địa phương, tránh phân tán ở các bộ ngành địa phương. Do đó, luật để đảm bảo tính khả thi cũng cần có quy định cụ thể hơn về cách thức kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước; …
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác nghiên cứu tiếp thu của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa tối đa trong dự thảo luật tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, hạn chế “xin – cho”;…
Nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ quan điểm rất lớn “phải kinh tế hóa” ngành tài nguyên môi trường, nhưng trong thực tế chưa triển khai được hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong dự luật phải bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quản lý sử dụng tài nguyên nước.
Về điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải đảm bảo đủ thời gian để áp dụng, tránh xung đột về pháp luật, tránh việc phải đi xử lý vướng mắc khó khăn ở những dự án cụ thể;…
Về phạm vi điều chỉnh, thống nhất dự luật này không điều chỉnh nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vì tính chất giá trị cao hơn và đã được điều chỉnh ổn định trong Luật khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, sau khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nếu thống nhất cao chỉ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là 01 phương án.
Ngoài ra, đối với các nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Cần bổ sung thêm khái niệm nước mặn; Cân nhắc lại tên tại Điều 3 để đảm bảo tính tính bao trùm; Không nên quy định tại dự thảo Điều 5 về phổ biến giáo dục pháp luật; Các hành vi bị nghiêm cấm đề nghị nêu cụ thể các quy hoạch khác có liên quan;…
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý để hậu kiểm, để các đối tượng tự giác thực hiện; quy định rõ việc lấy đối tượng trong quy hoạch tài nguyên nước; quy định rõ hơn cơ chế điều chỉnh ngân sách; bổ sung 1 điều mang tính nguyên tắc bảo vệ nước mặn; vấn đề nước sạch nông thôn;…
Cho rằng, quá trình giải trình, tiếp thu đã được thực hiện tốt, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 6 trước khi Quốc hội xem xét thông qua sẽ đạt chất lượng cao nhất.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động tích cực của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Đồng thời, nhấn mạnh, các tài liệu và báo cáo tại Phiên họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; các ý kiến tham gia đã được rà soát để tiếp thu, giải trình cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan chủ trì và cơ quan soạn thảo.
Liên quan đến các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về phạm vi điều chỉnh do đối tượng “nước khoáng, nước nóng” đã được quy định theo pháp luật về khoáng sản và nhiều văn bản của Đảng và nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định trong triển khai thực hiện hệ thống chính sách pháp luật hiên nay, không quy định nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh luật này. Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế có liên quan để đảm bảo tính thuyết phục cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm ý kiến tại phiên thảo luận liên quan đến nước mặn, nước thải, nước sạch nông thôn,… theo đúng phạm vi nước được quy định trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về điều hòa, phân phối, khai thác sử dụng tài nguyên nước; về đăng ký cấp phép sử dụng tài nguyên nước, tái sử dụng nước, trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, tổ chức lưu vực sông, sử dụng nước ngầm,… Đối với những góp ý liên quan đến các điều, khoản cụ thể tại dự thảo luật, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ để quy định đảm bảo đồng bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và các cơ quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật và chuẩn bị các nội dung cơ bản, cốt lõi trình xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách trước khi Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp thứ 6 (10/2023).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị