Luật sư: Em gái của Trịnh Văn Quyết “nghe theo chỉ đạo, không hưởng lợi”
Ngày 27/7, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.
Nghe theo chỉ đạo của anh trai
Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xử phạt bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết) từ 17 – 19 năm tù về cả 2 tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
VKS xét thấy bị cáo Huế là người thực hiện tích cực, xuyên suốt, giúp bị cáo Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt số tiền rất lớn, thực hiện thao túng với 4 mã cổ phiếu.
Các bị cáo phiên tòa. Ảnh: N.A |
Bào chữa cho bị cáo Huế, luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, Huế chỉ là người thực thực hiện một phần trong chuỗi các hành vi góp vốn tại Công ty Faros theo chỉ đạo của anh trai – là ông Trịnh Văn Quyết.
Theo luật sư, trong công ty, Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch, là người có quyền quyết định cao nhất, nên việc bị cáo Huế nghe theo chỉ đạo của ông Quyết là một phần của công việc, là trách nhiệm của các nhân viên trong doanh nghiệp.
Xét về các công việc được phân công, luật sư phân tích rằng, khi được giao việc, bị cáo Huế nhận chỉ đạo cụ thể về công việc cần thực hiện, không được trao đổi về mục đích và chủ trương chung. Do đó, cá nhân Huế không thể xác định được những dấu hiệu bất thường, hay không phù hợp trong công việc được giao để kịp thời ý kiến, phản đối hay từ chối thực hiện.
Ngoài ra, vị luật sư cũng nhấn mạnh: “Bị cáo Huế không được hưởng lợi cá nhân từ việc thực hiện các công việc theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết”.
Trước khi dừng lời, luật sư kính đề nghị HĐXX xem xét xác định Trịnh Thị Minh Huế chỉ là đồng phạm thực hành, giúp sức giản đơn cho bị cáo Trịnh Văn Quyết; đồng thời đề nghị HĐXX xem xét về các yếu tố khách quan để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa xét xử vụ án FLC. Ảnh: N.A |
Trước đó, khi khai báo tại tòa, Trịnh Thị Minh Huế cho biết bản thân được anh trai giao cho việc chuẩn bị và đưa hồ sơ cho người thân, người quen ký, nhờ họ đứng tên cổ đông, nộp tiền, rút tiền. “Bị cáo chỉ đánh máy lại danh sách và có thêm tiêu đề Danh sách cổ đông Công ty Faros, rồi đưa lại cho anh Quyết”, Huế khai.
Ngoài ra, bị cáo Huế cũng khai rằng, bản thân đã thực hiện theo chỉ đạo của anh trai, mượn giấy tờ tùy thân của nhiều người rồi báo cáo lại. Khi cần mua bán chứng khoán, anh Quyết sẽ nhắn tin hoặc gọi điện báo thông tin, Huế chỉ đặt lệnh theo.
Không hưởng lợi
Cùng là em gái của cựu Chủ tịch FLC, Trịnh Thị Thúy Nga bị VKS đề nghị xử phạt từ 10 – 12 năm tù cho cả hai tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bào chữa cho bị cáo Nga, luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, thân chủ của bà hoàn toàn không hưởng lợi, không được biết mục đích những việc làm của anh trai. Theo luật sư, không chỉ bị cáo Nga mà nhiều bị cáo phạm tội ở vai trò đồng phạm là do chủ quan, cả nể, tin tưởng, thiếu hiểu biết…
Luật sư Phúc nói thêm: “Bị cáo Nga đã tự nguyện nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả”; đồng thời xin cho bị cáo sớm trở về sau phiên tòa này.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: N.A |
Theo cáo trạng, Trịnh Thị Minh Huế đã trực tiếp nhận chỉ đạo từ Trịnh Văn Quyết, thực hiện, điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn góp tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng; hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE; bán cổ phiếu, thu tiền chuyển cho Trịnh Văn Quyết sử dụng.
Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái mượn giấy tờ cá nhân của người thân, nhân viên thuộc FLC để mở nhiều tài khoản chứng khoán cá nhân, pháp nhân tại nhiều công ty chứng khoán. Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế, để Huế chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản do Huế quản lý, sử dụng và để Huế thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, FLC và ART.
Xác định hơn 30.000 bị hại là chưa phù hợp
Bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, luật sư Trần Nam Long cho rằng, bị cáo Quyết đã có ý thức khắc phục hậu quả. Luật sư Long đề nghị cho thân chủ được thông qua gia đình để bán cổ phiếu, nộp phần giá trị còn lại của số tiền hưởng lợi không ngay tình trong thời gian sớm nhất.
Tiếp lời luật sư đồng nghiệp, luật sư Vũ Đặng Hải Yến khẳng định, thân chủ của bà thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Yến, việc xác định danh sách 30.403 người bị hại có nhiều yếu tố thiếu khách quan, bởi trong số hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu, có nhiều người đã bán cổ phiếu và chỉ còn 133 người chưa bán.
Theo luật sư Yến, chiếu theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự về người bị hại thì chỉ có 133 người này mới đáp ứng tiêu chí bị hại. Trong nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS ban đầu, tra cứu ngẫu nhiên thì có nhiều người đã bán cổ phiếu và có lãi, đã thu hồi số tiền bỏ ra. Nếu xác định họ là bị hại thì bất hợp lý.
Sau khi các luật sư bào chữa, bị cáo Trịnh Văn Quyết không có ý kiến bào chữa thêm.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 24 – 26 năm cho cả hai tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. VKS nhận định hành vi của bị cáo Quyết là rất tinh vi khi sử dụng Công ty Faros là công cụ, sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Thu Anh
Nguồn: Báo lao động thủ đô