Luật sư Diệp Năng Bình: Cần quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương có sai phạm
Hiện nay, vấn đề quản lý, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, xây dựng đã trở thành chủ đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm tại Hà Nội. Do đó, UBND TP. Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện phải xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, tránh tái diễn, kéo dài.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 44/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mặc dù Chỉ thị của Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành nhưng hàng loạt công trình nhà ở, kho bãi, nhà hàng… xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn đua nhau “mọc” lên trên nhiều địa bàn phường,xã của thành phố Hà Nội.
Ngày 8/6 tại Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ”. Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được quận Tây Hồ quan tâm thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
100% các dự án trên địa bàn đều được lãnh đạo UBND quận đối thoại trực tiếp. Qua đó hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, góp phần hoàn thành các dự án đúng tiến độ, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, việc triển khai thực hiện tốt QCDC đã góp phần làm cho các công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn có chiều hướng giảm, tỷ lệ cấp phép tăng, ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động xây dựng được nâng lên rõ rệt.
Kết quả từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2023, toàn quận đã cấp 2.907 giấy phép xây dựng trên tổng số 2.920 công trình xây dựng mới, đạt tỷ lệ 99,55%; 100% các công trình xây dựng đã được thiết lập hồ sơ trật tự xây dựng để quản lý.
Tuy nhiên, trong thực tế theo khảo sát tư liệu để thực hiện Tọa đàm cho thấy, trên một số địa bàn của quận Tây Hồ, trong đó có phường Xuân La, vẫn còn tồn tại việc chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng thực hiện sai quy hoạch, trái với quy định hiện hành trong công tác quản lý trật tự đô thị.
Tư liệu phường Xuân La
Theo khảo sát thực tế tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, vẫn tồn tại hàng loạt công trình xây dựng sai phạm về TTXD trên các dự án và công trình dân sinh, nhưng chưa thấy chính quyền ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Bên cạnh những công trình vi phạm cũ chưa được khắc phục, lại liên tục xuất hiện nhiều công trình mới có dấu hiệu sai phạm về trật tự đô thị, xây dựng. Nhiều công trình nằm trong các ngõ ngách, khi thi công đều quây kín mít bên ngoài để che chắn phần công trình xây dựng sai phạm nằm phía trong. Những công trình trên đang được chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý, tại khu vực ngõ 269 Lạc Long Quân, phường Xuân La đa phần diện tích đất là đất nông nghiệp được thành phố Hà Nội quy hoạch làm Dự án Nhà hát Thăng Long. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Khu đất dự kiến được sử dụng để xây dựng dự án Nhà hát Thăng Long và trụ sở các Bộ, ngành trên địa bàn phường Xuân La.
Hiện tại, nơi đây đã hình thành 1 khu dân cư có mật độ lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại bởi những hoạt động xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn đang diễn ra, trước sự “bao che”, buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.
Bên cạnh đó, những căn nhà không phép nơi đây vẫn được rao bán rầm rộ thông qua hình thức lập vi bằng. Việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người mua nhà và làm phát sinh tranh chấp, khiến công tác quản lý đất đai của cơ quan chức năng sau này sẽ gặp khó khăn.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội có một khu đất được quy hoạch làm đất công cộng đô thị và đất cây xanh theo quy hoạch phân khu H2-1 của Thành phố Hà Nội. Khu đất này dự kiến được sử dụng để xây dựng dự án Nhà hát Thăng Long và trụ sở các Bộ, Ngành.
Phía Bắc của khu đất giáp tuyến đường rộng 40m sẽ mở và khu dân cư hiện có; phía Nam giáp tuyến đường rộng 21,25m sẽ mở (ngõ 68A Võ Chí Công) và khu dân cư hiện có; phía Đông giáp đường vành đai 1 (đường Lạc Long Quân) và hồ Tây; phía Tây giáp đường vành đai 2 (đường Võ Chí Công) và KĐT Tây Hồ Tây.
Góc Đông Bắc của khu đất nằm tại điểm giao đường Lạc Long Quân – Vệ Hồ – ngõ 445 Lạc Long Quân; góc Đông Nam nằm sát tòa nhà Watermark Lạc Long Quân; góc Tây Nam của khu đất nằm cạnh dự án Tây Hồ Residence (điểm giao giữa đường Võ Chí Công và ngõ 68A Võ Chí Công). Tổng diện tích của khu đất khoảng 16 ha.
Những ngôi nhà được cho là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đang được chủ đầu tư hoàn thiện để bán nhưng vị cán bộ Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Xuân La luôn khẳng định “không có cái nào xây mới hết, xây cái đập luôn”.
Về hiện trạng, trên khu đất hiện nay có nhiều tuyến đường nội bộ và khu dân cư. Dọc theo đường Lạc Long Quân, phía Đông khu đất hiện được quây hàng rào tôn dài khoảng 200m. Trục Đông Bắc – Tây Nam của khu đất là ngõ 445 Lạc Long Quân kéo dài từ đường Lạc Long Quân đến ngõ 68A Võ Chí Công. Theo quy hoạch, các tuyến đường nội bộ trên khu đất trong tương lai sẽ không còn, khu dân cư hiện có sẽ phải di dời.
Còn tại khu vực ngõ 269 Lạc Long Quân, có những công trình vừa mới được hoàn thiện, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng và đang được chủ đầu tư rao bán, diện tích mỗi căn nhà ở đây rộng khoảng hơn 30m2 được rao bán với giá giao động khoảng 2 tỷ đồng, không có sổ đỏ; việc mua bán thông qua hình thức viết tay và lập vi bằng.
Cũng trên địa bàn phường Xuân La tại Dự án thương mại, dịch vụ y tế Tây Hồ Tây và nhà ở thấp tầng Romantic Park. Dự án được rao của chủ đầu tư Công ty TNHH Phát triển Bắc Sơn, với quy hoạch có quy mô 1 tòa thương mại, dịch vụ y tế và 59 lô liền kề, nhà vườn có chiều cao 5 tầng. Dự án nằm trong ô đất O16 – HH1, khu đô thị mới Tây Hồ Tây, phường Xuân La.
Khoảng 50% dự án Romantic Park được chủ đầu tư xây dựng với quy mô 6,7 tầng.
Song trên thực tế, tại dự án này đang diễn ra tình trạng cơi nới, sửa chữa, xây dựng không đúng với thiết kế, phá vỡ quy hoạch chung, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt mỹ quan đô thị. Những hành vi này được xác định là vi phạm trật tự xây dựng theo Điều 12 Luật Xây dựng 2014 về việc “Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng”.
Theo tư liệu từ Tọa đàm, hiện rất nhiều căn liền kề tại khu nhà ở thấp tầng Romantic Park đang được sửa chữa, cơi nới không đúng với quy hoạch cũng như thiết kế chung. Nhiều căn đang được xây dựng lên tầng thứ 6, thứ 7; thay đổi công năng, kết cấu, phá vỡ mật độ xây dựng khiến tổng thể kiến trúc dự án bị thay đổi.
Nhiều công trình vẫn đang được chủ đầu tư cơi nới mà không thấy cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Thủ đoạn của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm về sử dụng đất đai, TTXD là xây dựng vượt tầng, không đúng quy hoạch, là rao bán, huy động vốn những dự án không có thật hoặc chưa đủ pháp lý, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch công trình công cộng.
Từ những thực trạng về những công trình có dấu hiệu sai phạm trên, đặt ra nhiều vấn đề và đâu là nguyên nhân cho những sai phạm này:
Phải chăng hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ?
Liệu có sự móc nối giữa cò mồi và nhân vật bảo kê sai phạm?
Do vai trò giám sát của chính quyền địa phương còn hạn chế? Hay vì lý do gì mà các sai phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại mà chính quyền địa phương không xử lý?
Trách nhiệm của địa phương và doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật
Trước thực trạng trên tại phường Xuân La và một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã gửi thư mời tham gia tọa đàm tới UBND phường Xuân La nhưng chính quyền địa phương đã từ chối không tham gia tọa đàm.
Trước thực trạng trên, Thương binh Nguyễn Văn Bình, đại diện công ty 27/7, cho biết thực trạng GPXD cấp 3,4 tầng nhưng xây dựng đến 5,6 tầng là có rất nhiều, lỗi đầu tiên để dẫn đến việc đó là thuộc về chính quyền sở tại. Đang có 1 hiện trạng hơi tiêu cực đó là nhiều nhà dân chỉ đặt viên gạch hay chở xi măng là TTXD phường đã đến kiểm tra, nhưng nhiều công trình gần mặt đường vẫn được làm ngơ để cho xây dựng, theo ông trách nhiệm đầu tiên để xảy ra việc này thuộc về lãnh đạo cấp phường, thứ 2 là đến tổ TTXD.
Liên quan đến vấn đề tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp xây dựng và vai trò giám sát của chính quyền địa phương, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật phát biểu, tuân thủ pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, theo đó, chủ thể pháp luật kiểm soát và kiềm chế hành vi của mình, nhằm tránh vi phạm vào các quy định bị cấm theo pháp luật hiện hành. Hành vi của chủ thể được thể hiện ở dạng không hành động, dù cho có cơ hội để thực hiện chúng.
Luật sư Diệp Năng Bình, phát biểu tại toạ đàm.
Đối với việc đảm bảo thi hành pháp luật ở địa phương còn có nhiều hạn chế và những bất cập, do tầm hiểu biết của một số người còn chưa chuyên sâu hoặc không tiếp cận được pháp luật. Trong đó có những đặc điểm sau:
Về phạm vi địa bàn:
– Địa bàn địa phương đã được xác định một cách ổn định và cụ thể.
– Địa bàn hẹp, phức tạp là một xã hội thu nhỏ với trình độ phát triển, những nét văn hóa, truyền thống, tập quán riêng.
– Về chủ thể quan hệ pháp luật:
– Cá nhân là những người dân bao gồm cả những người lãnh đạo và những người dân thường với trình độ văn hóa, học vấn, nhận thức khác nhau, điều kiện bản thân, gia đình, mức sống, nhu cầu tự do, sở thích, quyền lợi khác nhau.
Về phía chính quyền địa phương, cần phải có trách nhiệm trong việc quyết định việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và Pháp luật ở địa phương; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Các tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện trong đó có việc thực hiện pháp luật ở địa phương. Đảng đề ra các chủ trương, đường lối và yêu cầu các tổ chức và Đảng viên gương mẫu trong thực hiện pháp luật và tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng trong tổ chức hệ thống chính trị để đảm bảo thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho hay, để cơ quan quản lý khuyến khích doanh nghiêp tự nguyện tuân thủ pháp luật thì bản thân cơ quan chức năng cũng cần phải có xây dựng được cơ chế bảo vệ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Ông Phạm Mạnh Cường, đại diện Công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Aveshome chia sẻ, doanh nghiệp luôn đặt lợi nhuận của mình ưu tiên lên hàng đầu trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhưng doanh nghiệp phải luôn lấy yếu tố tuân thủ pháp luật là yếu tố trọng yếu. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp đã lợi dụng sự sơ hở của chính sách, pháp luật, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thường thua thiệt hơn so với doanh doanh nghiệp vi phạm phạm pháp luật. Ông Cường chia sẻ ví dụ, doanh nghiệp khi nhận thi công công trình tại một số địa bàn phường được quy hoạch xây dựng chỉ 4 tầng, nhưng chủ đầu tư yêu cầu xây dựng 5 tầng, trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể từ chối thi công công trình khi biết sai phép, nhưng doanh nghiệp khác biết chắc đó là sai nhưng vẫn sẵn sàng nhận thi công, điều này sẽ gây một áp lực rất lớn cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, do đó cần phải có một hành lang pháp lý để bảo vệ cũng như ưu tiên cho những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật được hưởng lợi.
Kết luận buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Hòa Nhập ghi nhận những ý kiến chia sẻ và gợi mở nhiều nội dung khách mời đã đưa ra. Đồng thời, những buổi tọa đàm này rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương để có thêm những thực trạng khó khăn của chính quyền địa phương trong giám sát thực thi pháp luật của doanh nghiệp cũng như chủ đầu tư tại địa phương. Tạp chí sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tọa đàm tương tự để có cái nhìn tổng quan hơn nữa về những vấn đề còn tồn tại và thu thập thêm những giải pháp để khắc phục từ chính những doanh nghiệp xây dựng, từ đó đưa ra những khuyến nghị với cơ quan quản lý.
Nguồn: hoanhap.vn