Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn phải bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW, tăng cường phân cấp, phân quyền
(Xây dựng) – Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 82/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội thảo về nội dung dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vào cuối năm 2023. |
Ngày 22/02/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo và ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng hoàn thiện dự án Luật đáp ứng một số yêu cầu trọng tâm.
Trước hết, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Dự án Luật mới phải tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn, bảo đảm việc phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn đi đôi với thiết kế các công cụ giám sát chặt chẽ. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở có chọn lọc, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó nghiên cứu, làm rõ hệ thống quy hoạch, cấp độ quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; làm rõ các nội dung về tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn: Quy định về công bố quy hoạch, kế hoạch thực hiện, cắm mốc theo quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan, không gian ngầm, cung cấp thông tin về quy hoạch, thiết kế quy hoạch, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. |
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo còn phải nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch nội dung phân loại đô thị; nội dung liên quan bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường; các khu chức năng cần thiết phải lập quy hoạch để bảo đảm yêu cầu quản lý phát triển, thu hút đầu tư (khu nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch…). Đồng thời, dự án Luật mới cần làm rõ nội hàm, đối tượng của quy hoạch như hạ tầng kỹ thuật có bao gồm vấn đề cấp thoát nước, xử lý môi trường, chuyển đổi số; giải trình rõ: Khi phân loại và tổ chức xây dựng các loại quy hoạch đô thị, nông thôn, bao gồm: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch khu chức năng.
Trên cơ sở hoàn thiện dự án Luật này, Bộ Xây dựng hoàn thiện các chính sách, nội hàm chính sách của Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; giải trình rõ vì sao không có quản lý phát triển nông thôn hay cần xây dựng thêm một luật khác; làm rõ các vấn đề xin ý kiến Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Chính phủ theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
Nguồn: Báo xây dựng