Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ quy định về thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
(Xây dựng) – Theo Sở Xây dựng Hòa Bình, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ một số khái niệm, từ ngữ hoặc dẫn chiếu đối với từ ngữ rất quan trọng trong Luật Đất đai năm 2013.
Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại thành phố Hòa Bình (Ảnh: T/L). |
Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh Hòa Bình về việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngay từ cuối tháng 2/2023, Sở Xây dựng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật thông qua trang thông tin điện tử của Sở, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, đồng thời lồng ghép trong các cuộc giao ban, sinh hoạt chi bộ, nhóm trao đổi thông tin nội bộ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
Theo ông Phạm Quốc Thắng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình: Sau khi tổ chức lấy ý kiến góp ý, quá trình tổng hợp, chúng tôi nhận định dự thảo Luật Đất đai phù hợp với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
“Tuy nhiên, từ nghiên cứu văn bản và qua quá trình thực tiễn đã triển khai, chúng tôi thấy rằng dự thảo Luật chưa có nội dung về giải thích các từ ngữ (làm rõ các khái niệm) hoặc dẫn chiếu đối với từ ngữ rất quan trọng trong Luật Đất đai năm 2013”, ông Phạm Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình cho hay.
Để làm rõ nội dung này, ông Phạm Quốc Thắng cho rằng, dự thảo Luật cần giải thích rõ: Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là gì? Thế nào là công trình hạ tầng kỹ thuật? Thế nào là công trình hạ tầng xã hội? Thế nào là công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương? Thế nào là công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo pháp luật chuyên ngành, tránh việc vướng mắc khi thực hiện nội dung bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất do quy định của pháp luật về đất đai chưa rõ ràng, chưa cụ thể.
Đặc biệt, một điểm mới nổi bật của dự thảo là thu hồi đất đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng. “Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh” (Điều 64). Tuy nhiên giải thích từ ngữ tại Điều 3 dự thảo, “Vùng phụ cận là vùng đất tiếp giáp với các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, là chưa đủ rõ ràng, có thể dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, thu hồi đất tràn lan, nguy cơ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Cùng với việc cần giải thích rõ từ ngữ, lãnh đạo Sở Xây dựng Hòa Bình cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định, làm rõ về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại điểm b, Khoản 3 Điều 85 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là các cơ quan có thẩm quyền nào? Quy định nội dung phân cấp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bên cạnh đó, cũng cần Quy định rõ những nội dung cần phải thẩm định đối với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là các nội dung chủ yếu gì?
Khoản 2, Điều 89, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đồng thời, tại điều 106 dự thảo cũng quy định khu tái định cư bảo đảm các điều kiện như hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn địa điểm tái định cư phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên: tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi; đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương… Tuy nhiên, hiện chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh, bổ sung thay thế.
“Do đó, Ban soạn thảo cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tạm cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng ở tạm thành ở thật. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. “Nếu rơi vào trường hợp tại địa bàn xã lẫn địa bàn huyện đều không có đất để bố trí tái định cư thì buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương”. Tuy nhiên, “điều kiện tương đương” cụ thể là những điều kiện gì cũng chưa được làm rõ trong dự thảo”, ông Phạm Quốc Thắng đưa ý kiến.
Nguồn: Báo xây dựng