Luật Đất đai 2024 tác động tích cực tới nông nghiệp, nông thôn
Tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn có cuộc trao đổi với Luật sư Tô Bảo Long, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội để làm rõ những điểm mới, điểm thay đổi này.
Thưa ông: Luật Đất đai năm 2024 đã tăng thêm hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân và đối tượng nhận chuyển quyền, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp. Việc này được quy định như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn?
LS Tô Bảo Long: Luật Đất đai hiện hành và Luật Đất đai năm 2024 đều không có quy định cụ thể thế nào là hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi phân tích ý nghĩa của từ, chúng ta có thể hiểu hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là diện tích tối đa mà người sử dụng đất được quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.
Tại Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thiện cơ chế, mở rộng và cho phép cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên đến 15 lần hạn mức giao đất theo khoản 1 Điều 177.
Đồng thời không bó hẹp đối tượng nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa chỉ là hộ kinh doanh sang tổ chức kinh tế và cả với những người không trực tiếp trồng lúa theo khoản 3 Điều 191. Điều này cho thấy Nhà nước đã tạo điều kiện để người nông dân sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn, sẵn sàng đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao để thực hiện sản xuất trên quy mô lớn. Mặt khác giảm bớt diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, canh tác không hiệu quả, từ đó giúp người nông dân có thêm cơ hội việc làm trên chính quê hương mình, giàu có hơn nhờ làm nông nghiệp, điều mà đến nay ít người nông dân có được.
Tuy nhiên, đế tránh tình trạng gom đất, kiểm soát việc đầu cơ bất động sản, Luật Đất đai cũng quy định về trường hợp vượt quá hạn mức giao đất sẽ phải thành lập tổ chức kinh tế theo khoản 7 Điều 45, điều này nhằm kiểm soát được những bất lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó làm tăng thu nhập dẫn đến thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam theo hướng tích cực, tạo xu hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng nhằm đảm bảo đúng mục đích sử dụng, hiệu quả, phù hợp với năng lực của từng đối tượng.
Thưa ông: Ngoài một số nội dung đã nêu trên, người nông dân còn được hưởng lợi gì từ việc sửa đổi Luật Đất đai?
LS Tô Bảo Long: Ngoài việc đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người nông dân như đã nói ở trên, Luật Đất đai sửa đổi cũng tạo điều kiện cho người chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất theo Điều 47. Mặc dù điều này sẽ làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước so với những năm trước đây nhưng lại tạo điều kiện để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi vị trí trồng cây, canh tác, dồn điền, đổi thửa, xóa bỏ sự manh mún trong làm nông nghiệp đã trở thành thói quen của người nông dân nông thôn từ bao đời nay.
Không dừng lại ở đó, Luật Đất đai cũng cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp đa mục đích trên chính thửa đất của mình theo Điều 178, từ đó cho phép người nông dân có thể tận dụng tối đa tiềm năng của đất. Thay vì chỉ trồng một loại cây hoặc nuôi một loại vật nuôi trên diện tích đất, người dân có thể kết hợp trồng cây, nuôi vật nuôi và thực hiện các hoạt động khác như nuôi cá, trồng rừng, sản xuất năng lượng tái tạo, du lịch nông thôn và các hoạt động kinh doanh khác. Điều này giúp tăng trưởng giá trị kinh tế của đất nông nghiệp và mang lại thu nhập ổn định, nhiều nguồn hơn cho người nông dân và bảo vệ môi trường nông thôn nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.
Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, việc Nhà nước thu hồi đất và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số bất cập, thiệt thòi cho người dân sử dụng đất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Luật Đất đai năm 2024 quy định người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi theo khoản 1 Điều 109 Luật Đất đai, đồng thời được hỗ trợ thông qua hình thức đào tạo, chuyển đồi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm thay cho bồi thường, hỗ trợ bằng tiền để tạo điều kiện tiếp tục lao động, ổn định cuộc sống sau khi bị Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh việc điều chỉnh, thay đổi những quy định đã có, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung một số khái niệm mới, ảnh hưởng trực tiếp đến đất nông nghiệp và người nông dân, đó là quy định về “tập trung”, “tích tụ” đất nông nghiệp theo Điều 193, trong đó thể hiện rõ nguyên tắc sử dụng đất nông nghiệp, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp nhằm khuyến khích người nông dân phát triển nông nghiệp để củng cố vững chắc vị thế là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu lúa, gạo của nước nhà.
Đồng thời, việc phân loại đất trong nhóm đất nông nghiệp đã bổ sung loại đất chăn nuôi tập trung. Thực tế không thể tránh khỏi đất nông nghiệp tại những khu vực nông thôn ít dưỡng chất, khô cằn dẫn đến thực trạng đất đai bị hoang hóa, bỏ không, buộc người nông dân phải làm công việc khác để có kinh tế phục vụ cho cuộc sống gia đình, dẫn đến việc sử dụng tài nguyên đất không thể khai thác triệt để.
Nhưng kể từ ngày 01/01/2025, pháp luật sẽ cho phép tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên đất nông nghiệp kém hiệu quả thực hiện dự án đầu tư chăn nuôi tập trung theo quy định tại khoản 1 Điều 183. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, mở rộng quy mô ngành chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh thì việc chăn nuôi cần phải đáp ứng một số quy định khác về pháp luật chăn nuôi.
Xin ông cho biết: Luật Đất đai sửa đổi có tác động thế nào đến nông thôn hiện nay?
LS Tô Bảo Long: Luật Đất đai 2024 tiếp tục phát huy và kế thừa những quy định của Luật Đất đai qua các thời kỳ và góp phần tăng tỷ lệ nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Luật tiếp tục quy định về chế độ sử dụng đất đối với đất ở tại nông thôn. Điều 195, đất ở tại nông thôn được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn so với Luật Đất đai năm 2013. Điều này góp phần phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững của nông thôn.
Trên cơ sở những thay đổi của Luật Đất đai năm 2024 đối với nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ đang trên đà phát triển của đất nước. Thúc đẩy cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước đã xây dựng nhiều năm nay.
Tuy nhiên, việc áp dụng và vận dụng Luật Đất đai năm 2024 còn phụ thuộc vào cách thực hiện và thực tế ở cấp địa phương và cần có sự tham gia, đồng thuận từ phía cộng đồng nông dân và các bên liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu