Luân chuyển cán bộ thử bản lĩnh, tránh “ảo tưởng quyền lực”

Bài 1: Từ tầm nhìn chiến lược của Trung ương

Trong công tác xây dựng Đảng những nhiệm kỳ qua cho thấy, việc lựa chọn, đào tạo và luân chuyển cán bộ luôn được xem trọng và thực hiện nghiêm. Song vì nhiều lý do khác nhau nên có lúc, có nơi vẫn để “lọt” số ít nhân sự có biểu hiện suy thoái về lối sống, đạo đức, tham nhũng, tiêu cực vào bộ máy. Điều này không chỉ làm suy giảm niềm tin của người dân đối với công tác cán bộ của Đảng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Thực tế này cho thấy, cần phải có sự sàng lọc với những “hạt giống đỏ” và công tác luân chuyển, điều động chính là một trong những khâu quan trọng giúp tìm ra những viên ngọc quý.

Nhìn từ chiều dài lịch sử

Luân chuyển cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng. Mục tiêu của luân chuyển cán bộ là nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác luân chuyển cán bộ nếu thực hiện đúng bài bản, công tâm và khách quan sẽ trực tiếp là “liều thuốc” tốt làm nên cán bộ có bản lĩnh. Hơn hết, thông qua thực tiễn của luân chuyển sẽ làm cho cán bộ “hiểu thấu” tình hình, thấy được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã phù hợp với thực tế hay chưa, cần bổ sung, uốn nắn khâu nào, việc gì. Việc này cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng cán bộ thiếu và yếu kinh nghiệm thực tiễn.

Luân chuyển cán bộ thử bản lĩnh, tránh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một lần nữa đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh đến công tác cán bộ nhằm lại chống tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”

Nhiều lợi ích song không phải khi nào luân chuyển cán bộ cũng đúng và trúng. Thực tế, những câu chuyện luân chuyển cán bộ kiểu “tráng men”; bổ nhiệm cán bộ thần tốc, siêu thần tốc; chọn người nhà không chọn người tài; bổ nhiệm thiếu trong sáng… chính là “con sâu làm rầu nồi canh” khiến quần chúng nhân dân có cái nhìn chưa chuẩn mực và chưa thấu đáo về công tác cán bộ, trong đó đặc biệt là khâu đoạn luân chuyển.

Đó là hiện tượng đưa những cán bộ bị vi phạm kỷ luật từ cơ sở điều động về trung ương (và ngược lại), hoặc từ địa phương này sang địa phương khác… Trong quá trình công tác trước đó, họ từng bộc lộ năng lực hạn chế, uy tín đã giảm sút, thậm chí từng gây mất đoàn kết nội bộ ở đơn vị cũ, không còn triển vọng phát triển tiếp… khi luân chuyển lên vị trí cao hơn, tốt hơn hoặc vị trí an toàn mà không bị xử lý sẽ tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Hoặc, bài học xương máu của việc luân chuyển cán bộ theo “đường tiểu ngạch” kiểu như Trịnh Xuân Thanh cũng là một biến tướng cần lưu tâm. Bởi, chỉ trong hơn 2 năm Trịnh Xuân Thanh được “nhảy” qua đến 4 chức dưới thời ông Vũ Huy Hoàng khi đó đang giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương… luân chuyển như vậy có thể nói là sai lầm và không tuân thủ các quy định trong Đảng. Thế nhưng, ở góc nhìn rộng hơn, những khuyết điểm không chỉ của đối tượng được luân chuyển, đào tạo, đề bạt mà cả những người làm công tác tham mưu về cán bộ cho Đảng cũng phải chịu trách nhiệm. Đây là “lỗ hổng” mà trong thời gian tới cần phải sớm được khắc phục.

Thực tế, chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước cũng là một cách áp dụng “Luật Hồi tỵ” trong tình hình mới. Theo tra cứu từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh thì “Hồi tỵ” có nghĩa là tránh đi. Nói nôm na thì đó là tránh bố trí, sử dụng người đứng đầu một địa phương hoặc một tổ chức Nhà nước là người có mối quan hệ ruột thịt với những người đang ở nơi đó.

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước có thể thấy Hồi tỵ đã được áp dụng từ rất sớm. Cụ thể, Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên ban hành và đồng thời là người đầu tiên hiện thực hóa chính sách này. Kế thừa tư tưởng của Lê Thánh Tông, năm 1831, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã cho ban hành Luật Hồi tỵ và luật này sau đó được bổ sung vào năm 1836. So với những quy định về dưới triều Lê thì Luật Hồi tỵ của triều Nguyễn đã mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới là: Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản.

Luân chuyển cán bộ thử bản lĩnh, tránh

Ngoài ra, căn cứ vào các tư liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay cho thấy, đối tượng phải áp dụng và thực hiện Hồi tỵ thời Lê sơ và thời Nguyễn là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương, tương đương với 3 cấp hành chính của nước ta hiện nay. Hồi tỵ trong lịch sử và luân chuyển cán bộ trong hiện tại đều có điểm chung cao nhất là nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ.

Đi thực, làm thực – Quan điểm xuyên suốt của Đảng

Kỳ thực nhìn từ các chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng thì đã có từ rất sớm. Chẳng hạn, ngay trong Hội nghị lần thứ 3 khóa VIII ngày 18/6/1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” đã có một nội dung nói về luân chuyển cán bộ. Hội nghị này đã đề cập đến nội dung tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ.

Nội dung về công tác luân chuyển cán bộ tiếp tục được Đảng bổ sung tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”, trong đó có nội dung “thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”; Thêm nữa, tại Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”… cũng là tài liệu quan trọng đề cập đến công tác luân chuyển cán bộ.

Gần đây, để bổ sung các quan điểm trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ Chính trị quy định nêu rõ: “chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (…) không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”.

Tiếp đó, Bộ Chính trị lại ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ. Quy định nêu rõ, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Đáng chú ý, việc luân chuyển cán bộ tiếp tục được bổ sung thêm nhiều điểm mới, trong đó có điểm nhấn là không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ.

Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng và người dân có chung nhận định, chưa bao giờ công tác cán bộ được Đảng coi trọng và thực hiện một cách bài bản trong tất cả các khâu như hiện nay. Các văn bản quy định liên quan đến công tác này cũng từng bước được xem xét kỹ lưỡng và chặt chẽ hơn, qua đó từng bước lấp đi những “lỗ hổng”, ngăn chặn được việc lèo lái, lách luật.

Nhận định về công tác cán bộ, đặc biệt là khâu luân chuyển được thực hiện thời gian gần đây, Nhà báo Nguyễn Văn Bắc, nguyên Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân nhận xét: Công tác luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn hệ thống chính trị. Qua đó, tạo ra được một đội ngũ cán bộ có năng lực, giàu kinh nghiệm thực tế. Một trong những hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn đó là luân chuyển cán bộ gắn với bố trí người đứng đầu không là người địa phương được xem là khâu đột phá.

Rõ ràng, nhìn xuyên suốt từ chiều dài lịch sử đến hiện tại Đảng đều xác định rõ tầm quan trọng với công tác cán bộ. Bởi một trái cây chín ép sẽ không bao giờ cho vị ngọt. Để không còn tình trạng luân chuyển cán bộ theo kiểu “lướt ván”, “tráng men”, các quy định, quy trình về công tác cán bộ đã từng bước được hoàn thiện. Dù vậy, ở sâu trong dư luận vẫn ấp ủ mong muốn rằng vai trò người đứng đầu trong bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ phải được xem xét trách nhiệm cao hơn. Nói nôm na, ai bố trí, luân chuyển cán bộ không đảm bảo thì phải chịu xử lý trách nhiệm chứ không thể vô can. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ tốt, hết lòng vì nước, vì dân.

(Còn nữa)

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích