Lừa đảo trực tuyến: Sập bẫy sàn tiền ảo bất hợp pháp, nhiều nhà đầu tư trắng tay

Nhiều vụ việc được phát hiện

Theo các chuyên gia kinh tế, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều kẻ lừa đảo sàn tiền ảo với các thủ đoạn tinh vi, lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Các sàn được giới thiệu là dự án với lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận với người chơi, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Thời gian đầu, các sàn này sẽ để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để “con mồi” nạp tiền nhiều hơn rồi không cho rút tiền để chiếm đoạt.

Vừa qua, một nam thanh niên ở quận Long Biên, Hà Nội đã mất hơn 300 triệu khi mắc vào thủ đoạn trên của đối tượng lừa đảo. Theo đơn trình báo, vào tháng 6/2022, anh K (sinh năm 1980, trú tại Long Biên, Hà Nội) nhận được lời mời tham gia “đầu tư sàn ngoại hối”.

Với quảng cáo lãi suất cao, anh K đã nạp 250 triệu đồng vào tài khoản. Nhưng sau khi chuyển tiền xong, anh K không rút được tiền. Chủ sàn yêu cầu anh phải nâng cấp lên tài khoản VIP thì mới rút được tiền.

Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm 88 triệu đồng, anh K vẫn không rút được tiền và bị xoá khỏi nhóm giao dịch. Lúc này anh K mới biết bị lừa và đến Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên trình báo.

Lừa đảo trực tuyến: Sập bẫy sàn tiền ảo bất hợp pháp, nhiều nhà đầu tư trắng tay
Các sàn forex, tiền kỹ thuật số vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp những cảnh báo của cơ quan quản lý (Ảnh: Công an Hà Nội cung cấp)

Trước đó, chị H (sinh năm 1993; trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhận được lời mời tham gia “đầu tư ngoại hối quốc tế”. Theo quảng cáo, “sàn có giấy chứng nhận quốc tế và được kiểm định, đánh giá chất lượng”. Với cam kết tài khoản sẽ tăng trưởng 50 – 70%, chị H sẽ lời 2 – 7% mỗi ngày và rút tiền nhanh chóng.

Sau khi được tư vấn, chị H. nạp thử số tiền tương ứng là 10 USD thì được rút ra gần 300.000 đồng. Chị H. tiếp tục nạp số tiền tương ứng 500 USD thì được rút ra hơn 13 triệu đồng. Sau 2 lần có lãi, chị H. tiếp tục nạp hơn 500 triệu đồng nhưng không thể rút được tiền ra. Lúc này, chị mới nghi ngờ mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cụ thể, từ năm 2019 đến 2020, Phan Ngọc Vũ (sinh năm 1979; trú tại số 43 phố Nguyễn Công Trứ, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và Phan Ngọc Thạch (sinh năm 1991; trú tại Buôn Ju, xã Eatu, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã thuê một số đối tượng lập trình một số trang website. Sau đó, Thạch và Vũ tổ chức các buổi hội thảo đưa ra các thông tin sai sự thật, giới thiệu là đại diện của Công ty CSE Singapore, là đơn vị phát hành các loại tiền ảo CSE, CS9 và dụ dỗ người bị hại tham gia đầu tư tiền để mua CSE, CS9 nhận hưởng lãi suất.

Khi tham gia đầu tư sẽ được cấp thiết bị có tính năng đào tiền ảo CSE, CS9. Quá trình điều tra xác định các đối tượng sử dụng tài khoản số 19035685101016 mang tên Phan Ngọc Thạch, mở tại Ngân hàng Techcombank để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu là: giả mạo thương hiệu (72,6%), giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4%), hình thức khác (16%) như lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay…

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2022, Cục đã điều phối ngăn chặn nhiều trang website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Danh sách các website lừa đảo trực tuyến cũng được công khai trên Cổng khonggianmang.vn để người dân tra cứu, xác minh, phản ánh lừa đảo trực tuyến.

Lừa đảo trực tuyến: Sập bẫy sàn tiền ảo bất hợp pháp, nhiều nhà đầu tư trắng tay
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa: CAHN)

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động của sàn giao dịch tiền ảo để tổ chức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư, các cá nhân cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng thiết lập, điều hành trong việc quảng bá, hoạt động thanh toán có thể bị xử lý hình sự theo Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” hoặc Điều 290 Bộ luật Hình sự về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, do hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa công nhận tài sản ảo, nên người chơi phải gánh chịu mọi rủi ro, khó có căn cứ được cơ quan chức năng bảo vệ. Chưa kể, các sàn tiền ảo lại chủ yếu thành lập ở nước ngoài, muốn xử lý cũng không đơn giản.

Bên cạnh đó, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, không vì lợi nhuận cao mà tham gia huy động tài chính đa cấp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu nghi vấn, cần liên hệ cơ quan Công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin và có biện pháp xử lý phù hợp.

Các đối tượng lừa đảo sàn tiền ảo thường lợi dụng mạng xã hội, hoặc chạy quảng cáo trên các nền tảng tìm kiếm thông dụng như Google, Yahoo… để dụ dỗ, lôi kéo người chơi nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Khi bị lừa đảo, nạn nhân có thể tố cáo đến cơ quan Công an theo hướng dẫn sau:

– Tố cáo qua đường dây nóng của Công an địa phương: Ví dụ tại Hà Nội, gọi đến đường dây nóng 113 hoặc số 069.219.4053 của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tại TP. Hồ Chí Minh, gọi đến đường dây nóng 02838.413.744 hoặc 0693.187.680.

– Làm đơn tố cáo gửi đến Công an nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để được giải quyết. Theo đó, người tố cáo cần chuẩn bị đơn tố cáo; giấy tờ, chứng cứ chứng minh bị lừa đảo, giấy tờ nhân thân của nạn nhân…

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích