Lừa đảo mạo danh, kịch bản ngày càng tinh vi
Sử dụng các chiêu thức với kịch bản tinh vi hơn
Điển hình mới đây, một số đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ cao để liên hệ với chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu kết bạn qua mạng xã hội Zalo nhằm thông báo về đợt kiểm tra từ Sở Y tế Thành phố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, sau khi kết bạn Zalo, các đối tượng này gửi tài liệu mạo danh Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các quyết định và thông báo thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các mẫu văn bản có hình thức tương tự tài liệu cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nếu kiểm tra kỹ, văn bản dễ dàng bị phát hiện giả mạo, do chứa nhiều lỗi chính tả và sai sót chức danh người ký ban hành.
Lừa đảo mạo danh được Cục An toàn thông tin nhận định là một trong những “điểm nóng” của lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam (Ảnh minh họa, nguồn Cục An toàn thông tin). |
Đối với hình thức trên, đối tượng thường giả danh cán bộ nhà nước như: Công an, thanh tra, hoặc đại diện Sở Y tế, gọi điện thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến một vụ vi phạm pháp luật hoặc cần thanh tra, kiểm tra giấy tờ liên quan. Đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hoặc thậm chí số tài khoản ngân hàng để phục vụ cho quá trình “điều tra”, từ đó, chiếm đoạt tài sản và thông tin của người dân.
Tại thành phố Hà Nội, gần đây xuất hiện lừa đảo thông qua hình thức tặng quà tri ân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, mới đây, bà C (trú tại quận Tây Hồ) thấy trên mạng xã hội Facebook quảng cáo với nội dung “YODY Thời Trang Mọi Nhà” tặng quà 20/10 cho khách hàng, đối tượng hướng dẫn bà thực hiện một số nhiệm vụ để có cơ hội nhận tiền và các phần quà. Do nhẹ dạ, cả tin bà C đã chuyển cho đối tượng khoảng 50 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên, đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu bà C chuyển thêm tiền để nhận được phần quà lớn hơn. Tin theo lời dụ dỗ của đối tượng lừa đảo, bà C đến ngân hàng để chuyển thêm 40 triệu đồng, tại điểm giao dịch của ngân hàng, bà C được cán bộ Công an phường và nhân viên ngân hàng phân tích về thủ đoạn lừa đảo, bà C đã nhận ra và dừng chuyển tiền cho các đối tượng.
Với chiêu trò lừa đảo này, các đối tượng sử dụng thủ đoạn chung là thông báo cho nạn nhân qua tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi đã trúng giải thưởng lớn dù không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Thêm vào đó, đối tượng sẽ lợi dụng tên tuổi của các tổ chức, công ty lớn để tạo lòng tin, như các nhãn hiệu điện thoại, xe hơi, hoặc các nhãn hàng nổi tiếng. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu người dân chuyển một khoản tiền (phí vận chuyển, thuế) để nhận giải thưởng. Thậm chí, đối tượng còn thường tạo áp lực về thời gian, yêu cầu người dân phải hành động ngay lập tức nếu không sẽ mất phần thưởng.
Hai trường hợp lừa đảo trên đều là những thủ đoạn quen thuộc, liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông trong thời gian dài vừa qua, thế nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa.
Làm sao để phòng, chống lừa đảo mạo danh?
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam, có một số lý do khiến người dân vẫn tiếp tục bị lừa, dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới. Đầu tiên là do tâm lý người dùng vẫn bị tác động khi nghe “câu chuyện” của những đối tượng lừa đảo trao đổi. Đó có thể là tâm lý “hám lợi” khi nghe các chương trình khuyến mãi khủng, đầu tư sinh lời cao, cũng có thể là tâm lý lo lắng khi bản thân gặp phải những vấn đề rắc rối hoặc người thân, bạn bè đang trong tình huống khẩn cấp. Do sự tinh vi của các thủ đoạn lừa đảo, khi các đối tượng liên tục thay đổi, biến tướng các hình thức lừa đảo, dựa theo những sự kiện thực tế. Nội dung các đối tượng lừa đảo đưa ra thường khớp đến 70-80% so với những gì nạn nhân đã được biết. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các công nghệ mới như deepfake giúp cho các nội dung lừa đảo càng khó nhận biết.Cùng với đó là các kẽ hở liên quan đến quản lý như thông tin cá nhân bị lộ lọt, tài khoản bị hack, bị giả mạo dẫn tới môi trường, công cụ của các đối tượng lừa đảo vẫn còn nhiều.
Theo thống kê, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia do Cục An toàn thông tin xây dựng và vận hành, hiện đã tập hợp, cảnh báo khoảng hơn 125.000 địa chỉ website giả mạo liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, hiện nay, hàng tuần, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thuộc Cục An toàn thông tin đều cập nhật danh sách các website giả mạo với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng Việt Nam để người dân biết, phòng tránh bị các đối tượng xấu lừa.Cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính – ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các công ty lớn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ… là những đơn vị thường bị các đối tượng lừa đảo giả mạo website, fanpage.
Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật danh sách website giả mạo, liên quan đến lừa đảo để nhiều người dân biết, Cục An toàn thông tin triển khai hệ sinh thái “Tín nhiệm mạng”, gán nhãn tín nhiệm mạng, còn gọi là “nhãn xanh”, cho hơn 7.000 website chính thống của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo niềm tin cho người dân khi truy cập các website, đồng thời dần tạo cho họ thói quen cẩn trọng khi vào các trang không có nhãn xanh.
Để phòng, tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo. Các cơ quan nhà nước thường có quy trình chính thức và không yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại, khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn, email thông báo của các cơ quan nhà nước, người dân cần bình tĩnh, kiểm chứng thông tin, thực hiện liên hệ trực tiếp với cơ quan Nhà nước để xác minh thông tin nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tính hợp pháp của các yêu cầu.
N.Hoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô