Lựa chọn và đào tạo nhân tài!
Ảnh minh họa. |
Có thể nói, tình hình quốc tế hiện đang có những chuyển biến khó lường, song nhìn đại cục, thế giới nói chung, mỗi quốc gia nói riêng đang phải đối mặt với một số vấn đề chính: Biến đổi khí hậu, cạnh tranh phát triển giữa các quốc gia ngày càng cao, bùng nổ công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, xu thế dân tộc chủ nghĩa dẫn đến những mâu thuẫn về chủ quyền, lãnh thổ. Vì vậy, bài toán đặt ra với bất kỳ quốc gia nào là phải vượt lên những thách thức, đón vận hội để xây dựng đất nước mình, Tổ quốc mình phồn vinh. Trong đó, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu, “chọn mầm” để “ươm” những “nhân tài” có ý nghĩa then chốt.
Riêng về vấn đề chọn người tài, đào tạo người tài để phụng sự Tổ quốc, qua chia sẻ bài học kinh nghiệm của đất nước Israel mà cựu Thủ tướng Ehud Barak nói với báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua đáng để chúng ta phải lưu tâm. (Điều cần nhấn mạnh, Nhà nước Israel non trẻ ra đời năm 1948, trên một vùng đất nghèo nàn tài nguyên, lại “tứ bề thọ địch”, nhưng hiện nước này đã gia nhập hàng ngũ các nước phát triển với nền công nghiệp, công nghệ và nông nghiệp vào tốp đầu thế giới).
Theo cựu Thủ tướng Ehud Barak, Israel rất coi trọng việc học hành nên trẻ em đã được dạy đọc và viết từ rất sớm, có khi từ 3 tuổi đã được dạy học, dù tuổi bắt buộc đi học là 6 tuổi. Giáo dục được đầu tư rất nhiều, hơn cả chi tiêu cho quân sự, dù Israel luôn đối mặt với các mối đe dọa thường trực từ bên ngoài. Nhà nước Do Thái bắt đầu một mô hình chọn nhân tài cách đây 45 năm và hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, nuôi dưỡng nhân tài theo cách đó. Ông Ehud Barak cho hay, Israel bắt đầu chương trình sàng lọc học sinh lớp 11 và 12 tại các trường phổ thông trên cả nước và lựa chọn khoảng 3-6 học sinh xuất sắc nhất của mỗi trường.
Mỗi năm, trong số 20.000 học sinh xuất sắc nhất đó, Israel sẽ tiếp tục lựa chọn ra thêm 400-500 em để đào tạo trong quân đội. Những người giỏi nhất về toán học, khoa học và lập trình sẽ phục vụ nhiều năm tại các đơn vị công nghệ, máy tính. Những người này sau khi hoàn thành nghĩa vụ có thể vừa đóng góp cho cả ngành Quốc phòng lẫn các công ty công nghệ dân sự. Từ 400-500 cá nhân này, chúng tôi lại lựa chọn tiếp, lấy ra khoảng 40-50 người xuất sắc nhất để cho đi học đại học theo chương trình đặc biệt. Mỗi em sẽ được một giáo sư theo sát để hỗ trợ, hướng dẫn việc học tập và nghiên cứu.
Sau 3 năm học đại học, mỗi em sẽ có ít nhất 2 bằng, là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình theo học. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ học việc khoảng 6 năm nữa với các nhà khoa học hàng đầu đất nước. Họ được tạo cơ hội đặc biệt để phát triển nhanh hơn, đạt được những thành tích xuất sắc khi còn trẻ. “Bằng mô hình này, Israel đã tạo ra được lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia xuất sắc lên tới hàng chục nghìn người, trở thành động lực cốt lõi cho phát triển quốc gia”, cựu Thủ tướng Barak cho hay.
Suốt trong nhiều năm qua, Đảng ta luôn đặc biệt qua tâm đến công tác giáo dục, luôn đặt “giáo dục- đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chúng ta đã đào tạo được nguồn nhân lực dồi dào cho xã hội, đất nước và đang có các biện pháp để đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác tìm kiếm, đào tạo “tài năng” vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình mới, thời kỳ mới, để thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải; sớm đưa Việt Nam thành đất nước thịnh cường như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, nên chăng trong công tác phát hiện, đào tạo nhân tài, chúng ta cũng nên học hỏi bài học và kinh nghiệm từ đất nước Israel như chia sẻ của cựu Thủ tướng Ehud Barak.
Nguồn: Báo lao động thủ đô