Lựa chọn kênh đầu tư nào trong năm 2023?
Thị trường tài chính toàn cầu vừa trải qua một năm với nhiều biến động mạnh chưa từng có, lợi nhuận nhiều nhà đầu tư cá nhân theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bước sang năm 2023, bối cảnh thị trường tiếp tục được dự báo còn nhiều rủi ro khó lường. Việc lựa chọn kênh đầu tư nào để mang lại tỷ suất sinh lời cao đang là câu chuyện được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tiết kiệm, chứng khoán dự báo sẽ lên ngôi
Tiết kiệm được dự báo vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN |
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất là cho hết quý I/2023. Bởi lẽ, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 8%, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) kiểm soát dưới 4% trong năm 2022, trong khi lãi suất huy động có ngân hàng lên tới 12% (bao gồm lãi suất ưu đãi), người gửi tiết kiệm vẫn có lãi thực dương.
Bước sang năm 2023, dù điều kiện kinh tế vĩ mô dự báo nhiều thách thức, song GDP dự báo vẫn tăng trưởng khả quan, đạt mức 6,5% và mục tiêu lạm phát dưới 4,5%.
Mặc khác, dù vừa rồi các ngân hàng thương mại đồng loạt cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, song lộ trình thực hiện giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian, nhất là khi thanh khoản một số ngân hàng nhỏ vẫn còn gặp khó khăn. Do đó, ở thời điểm này tiết kiệm là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Ông Tuấn cho rằng, bước qua quý III/2023, lãi suất huy động dự báo sẽ hạ nhiệt. Khi đó, chứng khoán nhiều khả năng sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn giới đầu tư hơn. Dù ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường, tuy nhiên vẫn có một số ngành dự báo sẽ lên ngôi trở lại.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cũng cho rằng, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm 2023. Nửa cuối năm 2023, khi thị trường chứng khoán trở nên ổn định hơn với vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có thể nhập cuộc trở lại, giúp thị trường sôi động hơn.
Sau kênh tiết kiệm được cho là mang tính an toàn cho nhà đầu tư, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính dự đoán, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ lên ngôi trong năm 2023, do giá cổ phiếu hiện đã xuống thấp. Khi thị trường tài chính, ngân hàng ổn định và lãi suất có xu hướng giảm, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại.
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 34% so với hồi đầu năm. Các chuyên gia cho rằng, dù thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường và đặc biệt tâm lý nhà đầu tư vẫn dao động, song chứng khoán vẫn có một số điểm được dự báo tốt hơn nhờ một số yếu tố hỗ trợ chính.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Việc kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế sẽ là điểm sáng để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế cũng đang được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tập trung giải quyết.
Bên cạnh đó, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất so với các nước trong khu vực. Cùng với đó là nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng, song có giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách (P/B) dưới 1… Đây sẽ là những yếu tố chính được cho sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán hút dòng tiền hơn trong thời gian tới.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư cần tránh những cổ phiếu mang tính đầu cơ, lựa chọn đúng các cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, hoạt động ổn định và ít chịu ảnh hưởng của các biến động ngắn hạn.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Giới phân tích dự báo thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, khó phục hồi ngay trong năm 2023. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Trái ngược với xu hướng khả quan của tiết kiệm và chứng khoán, kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, trái phiếu, bất động sản… được dự báo kém khả quan hơn.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, kể từ sau Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ (Nghị định 24) và Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/05/2012 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, giá cả thị trường vàng trong nước hầu như không bắt nhịp với thị trường thế giới. Kênh đầu tư vàng theo đó cũng kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư trong nước.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, với thị trường vàng hiện nay, nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng sẽ có khá nhiều rủi ro, do giá vàng trong nước và quốc tế không liên thông với nhau, dẫn đến chênh lệch giá hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy, dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận được.
Về đầu tư ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD cũng được cho là không mấy hấp dẫn, khi tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trong năm 2022 và dự báo sẽ không nhiều biến mạnh trong năm 2023.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), áp lực ngoại hối có thể trở lại nhưng khó có thể ở mức tiêu cực như trong năm 2022. Theo kế hoạch, Cục dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ tăng thêm lãi suất trong năm 2023, nhưng áp lực sẽ nhẹ hơn do đồng USD đã chững đà tăng so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả tiền VND.
Khối phân tích của MBS cho rằng, trong năm 2023, tiền VND dự kiến mất giá khoảng 2% trong bối cảnh Fed sẽ dừng tăng lãi suất vào sau thời điểm tháng 3/2023.
Riêng về bất động sản, giới phân tích dự báo thị trường vẫn còn trầm lắng, khó phục hồi ngay trong năm 2023, dù Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có những chỉ đạo, giải pháp rốt ráo trong thời gian qua.
Bởi các chính sách hỗ trợ thường có độ trễ nhất định và nhất là mặt bằng lãi suất cho vay ở các ngân hàng cho hoạt động nhà ở vẫn còn ở mức cao. Do đó, chỉ khi thanh khoản thị trường tài chính ổn định, các giải pháp hỗ trợ đi vào thực tế thì mới có thể giúp vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, hồi phục thị trường. Tuy vậy, vẫn có phân khúc đầu tư được nhận định có nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, đối với kênh bất động sản, có sự phân hóa do một số phân khúc hiện đang gặp khó khăn như bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch… trong bối cảnh dòng tiền cho vay đầu tư đang bị siết lại. Tuy nhiên, bất động sản nhà ở tại một số khu vực được hưởng lợi từ hạ tầng vẫn có triển vọng tích cực.
Do đó, nhà đầu tư cần xác định và ưu tiên kênh đầu tư trú ẩn an toàn, chẳng hạn như phân khúc bất động sản tiềm năng (nhà ở, bất động sản khu công nghiệp…), bất động sản đất nền tại khu vực có hạ tầng đồng bộ, với điều kiện pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến số khó lường, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy. Đồng thời, cần hết sức bình tĩnh khi ra quyết định đầu tư cũng như bán, tránh dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, thị trường… trong quá trình đầu tư.
Nguồn: Báo xây dựng