Lựa chọn dự án PPP thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn thế nào?

(Xây dựng) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 26/2023/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn.

Lựa chọn dự án PPP thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn thế nào?
Ảnh minh họa.

Theo Thông tư, dự án PPP lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn là dự án đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).

Điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật PPP. Cụ thể: Sự cần thiết đầu tư; thuộc lĩnh vực quy định và đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu theo quy định; không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án; có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác; có khả năng bố trí vốn Nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn Nhà nước.

Thông tư nêu rõ, lựa chọn dự án PPP có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá các nội dung sau đây:

1- Khả năng thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư tư nhân.

2- Dự án thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, cung cấp đồng thời nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho tưới, tiêu và mang lại giá trị kinh tế cao như cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao và các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác (cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tiêu nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; kết hợp phát điện; phát triển du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác; nuôi trồng thủy sản trong các hồ chứa nước; kết hợp giao thông).

3- Dự án cấp nước sạch nông thôn tập trung ở khu vực phục vụ có dân cư tập trung, có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển.

4- Dự án thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn tập trung có khả năng phân chia rủi ro giữa Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân và các bên có liên quan.

5- Dự án thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn khác do nhà đầu tư quan tâm.

Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và giá nước sạch trong hợp đồng dự án PPP

Thông tư nêu rõ, giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và giá nước sạch được thực hiện theo quy định tại Điều 65 Luật PPP. Nguyên tắc điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và giá nước sạch thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật Giá.

Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Thủy lợi (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 73 Luật Giá).

Giá nước sạch được xác định và điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt và quy định của pháp luật có liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích