Long Biên và “cú hích” của đồ án đô thị sông Hồng
Thành phố sông Hồng tương lai
Phân khu đô thị sông Hồng được định hướng là trung tâm kinh tế của vùng Thủ Đô tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các quyết định này đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai và Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì “quay lưng” – phát triển về phía Tây.
“Đánh thức” những nguồn lực và lợi thế của sông Hồng, đồ án quy hoạch sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này. Cụ thể, phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái nhằm tạo nên trục không gian đặc trưng, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm; kết hợp du lịch, văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc, di tích lịch sử. Đồng thời, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Sau khi phê duyệt, Hà Nội sẽ xây thêm 6 cây cầu mới kết nối đô thị hai bên sông giúp tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và thành phố. Trong đó, cầu Trần Hưng Đạo sẽ nối vị trí khu dân cư tại Thạch Cầu, Long Biên với trung tâm thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài cây cầu khoảng 5,5km, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đồ án quy hoạch sông Hồng còn là động lực thu hút đầu tư, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng với các công trình điểm nhấn – biểu tượng của Thủ đô. Từ đó, Hà Nội dần hiện thực hóa giấc mơ “thành phố ven sông” với một diện mạo mới – hiện đại hơn, khang trang hơn. Đây cũng là đòn bẩy mang lại nhiều cơ hội cho đô thị và thị trường bất động sản Hà Nội nói chung và quận Long Biên nói riêng.
Đô thị ven sông kiểu mẫu đáng sống
Nhờ môi trường sống trong lành và hạ tầng quy hoạch đồng bộ, bài bản, những năm gần đây, quận Long Biên hiện đang nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh bất động sản của Hà Nội khi “làn sóng di cư” dịch chuyển về đây ngày càng tăng mạnh. Là “cửa ngõ” kinh tế khu vực phía Đông, nơi đây đang đón dòng tiền đầu tư mới nhờ sự xuất hiện của các khu đô thị sinh thái và nhà ở cao cấp đến từ các “ông lớn” trong ngành bất động sản như: Vingroup, Tập đoàn Him Lam, Khai Sơn, BRG Group…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quy hoạch phân khu sông Đuống, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng). Sở hữu địa thế “lưỡng hà hội tụ”, quận Long Biên thừa hưởng trực tiếp nguồn khí thịnh vượng dồi dào của 2 con sông lớn nhất của Đồng Bằng Sông Hồng – những “dải lụa xanh” giữa trung tâm đô thị.
Theo quy hoạch thì 70% diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh theo hệ thống công viên – hồ điều hòa đồng bộ, 30% còn lại để phát triển đô thị. Quận Long Biên hướng đến sự phát triển bền vững của một thành phố xanh và được kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị ven sông kiểu mẫu đáng sống nhất của Thủ đô.
Trên thế giới, những dòng sông chảy vào lòng thành phố đã hình thành nên đô thị ven sông nhộn nhịp, sầm uất. Đây cũng là khởi nguồn của những đô thị lớn văn minh ở các nước phát triển. Bởi thế, mỗi khi nhắc đến vị trí an cư, người mua nhà luôn tâm niệm: “Nhất cận thị – nhị cận giang – tam cận lộ”.
Đặc biệt, có những thành phố nằm ở hợp lưu của hai con sông như Lyon (Pháp) với sông Saône và sông Rhône hay tại Thủ đô Berlin (Đức) – nơi có sông Spree và Havel giao hòa. Dọc theo bờ sông là những khu đô thị với nhịp sống sôi động từ những quán café, nhà hàng, trung tâm tài chính, khu vui chơi giải trí sầm uất… Theo đó, phân khúc bất động sản cao cấp tại đây đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn cung và giá nhà đất cũng tăng cao hằng năm khoảng 10 – 20%.
Các chuyên gia nhận định rằng, với những lợi thế sẵn có cùng đề án quy hoạch phân khu sông Hồng được phát huy tối đa thì những giá trị sông nước bền vững sẽ tạo nên một diện mạo văn minh đô thị hiện đại mới. Quận Long Biên sẽ là cực tăng trưởng mới của Hà Nội, mảnh đất tiềm năng sinh lời hiệu quả và bền vững cho các nhà đầu tư trong tương lai gần.