Long An đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm

(Xây dựng) – UBND tỉnh Long An vừa tổ chức phiên họp lệ kỳ 6 tháng đầu năm 2024 đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và định hướng chương trình công tác 6 tháng cuối năm.

Long An đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm
Toàn cảnh phiên họp 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Long An.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Long An có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,26%, cao nhất từ năm 2022 đến nay. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực, các cây trồng chủ lực có sản lượng tăng và có giá bán tốt như: Lúa, thanh long, sầu riêng, chanh. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng 16%.

Sản xuất công nghiệp, xây dựng phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển nhờ triển khai hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến thương mại. Tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện 03 công trình trọng điểm, 03 chương trình đột phá, tiến độ nhìn chung đạt yêu cầu đề ra.

Đồng thời, tăng cường kết nối, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng đáng kể, đứng thứ 02/63 tỉnh, thành trong cả nước. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ giải ngân đạt khá (tỷ lệ giải ngân của tỉnh đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước). Thu ngân sách Nhà nước đạt 14.400 tỷ đồng, đạt 69,4% dự toán, tăng 47,3% so cùng kỳ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, qua đánh giá, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm tăng trưởng tích cực, tuy nhiên chưa đạt như kỳ vọng; hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn; tiến độ giải ngân đầu tư công đạt khá nhưng vẫn còn một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp so với bình quân của tỉnh; thu ngân sách vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ thu thấp; giải quyết việc làm cho người lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận đóng góp vào các lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế đồng thời đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục trong 6 tháng cuối năm 2024. Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá thêm những thuận lợi, khó khăn liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; hoạt động thu ngân sách Nhà nước; tình hình giải ngân đầu tư công.

Long An đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm
Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương chấn chỉnh ngay công tác cải cách hành chính, xử lý nghiêm vi phạm nếu có; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, có thời gian giải quyết cụ thể, gắn với phân công nhiệm vụ rõ ràng; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch cho các địa phương; tập trung quyết liệt cho công tác nông thôn mới, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thống kê chuẩn bị nội dung Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chủ trì với lãnh đạo các Sở, ngành và các địa phương có 1 buổi phân tích chuyên đề để đánh giá phân tích và phấn đấu tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt kết quả tích cực nhất.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Long An đề nghị các ngành, địa phương liên quan rà soát các đối tượng chăm lo nhà ở xã hội. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để Long An phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích