Long An: Chủ động ứng phó với triều cường

Long An: Chủ động ứng phó với triều cường

Hiện nay, triều cường tại các huyện phía Nam của tỉnh đang dâng cao, có nguy cơ xảy ra ngập úng và ảnh hưởng đến đời sống cũng như tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hiện nay, triều cường tại các huyện phía Nam của tỉnh Long An đang dâng cao, có nguy cơ xảy ra ngập úng và ảnh hưởng đến đời sống cũng như tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và người dân khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

tm-img-alt
Xây dựng kế hoạch vận hành, tổ chức vận hành các cống ngăn triều cường hợp lý, không để xảy ra ngập úng kéo dài

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, vùng hạ lưu của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An và các huyện vùng hạ ven sông) có những đợt triều cường mạnh vào tháng 9, 10, 11 và tháng 12/2023; đỉnh triều cường cao nhất năm xuất hiện vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023. Cụ thể, tại trạm Tân An (sông Vàm Cỏ Tây) có khả năng lên mức 1,65-1,70m (mức cao hơn báo động III từ 0,05-0,1m). Tại trạm Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) có khả năng lên mức 1,60-1,65m (mức cao hơn báo động III từ 0,1-0,15m).

Trong các tháng cuối năm 2023, mực nước tại hầu hết các trạm trên các sông, rạch của tỉnh lên nhanh và ở mức cao, do ảnh hưởng của triều cường, nước lũ từ thượng nguồn và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên cần đề phòng ngập úng tại các vùng trũng thấp.

Thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước, hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Cần Đước nằm trong khu vực bảo vệ của 2 tuyến đê bao là đê Vàm Cỏ và đê Rạch Cát. Hàng năm, các tháng triều cường dân cao thường gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện triều cường hiện chưa gây ảnh hưởng hay thiệt hại, địa phương và người dân đang tích cực phòng, chống.

Tại các xã Tân Chánh, Tân Ân và Phước Tuy (huyện Cần Đước), phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân đều tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ. Hàng năm, một số diện tích lúa và tôm của người dân các xã này thường bị ảnh hưởng khi triều cường dâng cao. Ông Trần Hữu Nghĩa (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) có hơn 0,3ha ao nuôi tôm ven sông Vàm Cỏ, thường xuyên bị tác động bởi triều cường.

Năm nay, gia đình ông Nghĩa chủ động gia cố bờ bao ven sông nhằm phòng, chống triều cường ngay từ đầu vụ nuôi. “Hàng năm, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, triều cường trên sông bắt đầu xuất hiện và kéo dài trong nhiều tháng, những ngày đỉnh triều dâng cao có thể sẽ tràn bờ bao. Do đó, năm nay tôi chủ động gia cố bờ bao từ sớm để bảo vệ ao tôm, tránh việc tôm thất thoát ra sông” – ông Nghĩa cho biết.

Huyện Tân Trụ gần như được bao bọc bởi 2 con sông là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Do đó, hàng năm, huyện thường chịu ảnh hưởng của triều cường vào đầu tháng 10 đến giữa tháng 12. Hiện, ngành chức năng huyện đã phối hợp với các xã và thị trấn giáp sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây của huyện tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê bao, cửa cống ngăn triều để kịp thời xử lý khi xảy ra tràn đê, vỡ đê nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, bộ phận quản lý khai thác công trình thủy lợi thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng có kế hoạch vận hành, tổ chức vận hành các cống ngăn triều hợp lý, không để xảy ra ngập úng kéo dài.

Với hơn 2ha lúa Thu Đông đang trong giai đoạn làm đòng, ông Nguyễn Văn Hậu (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có đê, hầu hết diện tích sản xuất trong khu vực đều bị ảnh hưởng bởi triều cường, những năm gần đây, nhờ có hệ thống đê bao mà tình trạng này không còn nữa. Tuy nhiên, để chủ động bảo vệ ruộng lúa, tôi đã lắp đặt máy bơm để bơm nước ra khỏi ruộng nếu xuất hiện mưa vào thời điểm triều cường dâng cao”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh – Võ Kim Thuần, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện phía Nam cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do triều cường gây ra, nhanh chóng lập kế hoạch kiểm tra, rà soát và chủ động gia cố sớm các tuyến đê bao trên địa bàn để chống ngập tràn.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời xử lý nguy cơ vỡ đê bao, bờ bao ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng vỡ đê bao, bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; vận động, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, bơm tát nước để chống ngập nhằm bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của từng hộ gia đình; rà soát, vận động di dời những hộ ở nơi có nguy cơ bị thiệt hại cao khi triều cường dâng đến nơi an toàn.

Dương Diễm (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích