Long An chỉ định nhà đầu tư Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập vì sợ mất thời gian?
(Xây dựng) – Liên quan đến việc xét chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập, lãnh đạo UBND tỉnh Long An cho rằng, do việc xét chọn nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, làm mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh thống nhất phương án chọn liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án hàng nghìn tỷ này. Việc chỉ định nhà đầu tư trong khi có 5 doanh nghiệp xin đầu tư dự án, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch, công bằng giữa các nhà đầu tư? Có hay không việc chính quyền “ưu ái” cho doanh nghiệp?
Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập. |
Chỉ định nhà đầu tư vì sợ mất thời gian xét chọn
Khu công nghiệp Nam Tân Tập được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006. Khu công nghiệp được điều chỉnh diện tích 244,74ha tại Quyết định số 463/TTg-KTN ngày 28/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện trạng, Khu Công nghiệp Nam Tân Tập tồn tại một số dự án sản xuất công nghiệp hiện hữu, diện tích khu công nghiệp còn lại khoảng 160ha và đang được doanh nghiệp tài trợ kinh phí để điều chỉnh quy hoạch xây dựng 1/2000 làm cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án.
Được biết, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An tiếp nhận văn bản xin chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập của 5 nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát; Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng; Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn; Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc; Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát và Công ty TNHH Hải Sơn.
Theo Kết luận số 651/TB-UBND ngày 24/11/2020, thông báo kết luận của Hội đồng đầu tư tỉnh Long An tại cuộc họp ngày 23/11/2020 thì Ban Quản lý Khu kinh tế được giao phải xây dựng tiêu chí phù hợp; thành lập Hội đồng xét chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế cho rằng, đối với dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, đơn vị này đề xuất 2 phương án: Thứ nhất, tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các sở ngành và thành lập Hội đồng xét chọn để chọn chủ đầu tư; Thứ hai, thời gian qua lãnh đạo tỉnh có khảo sát thực tế và xem xét năng lực của các nhà đầu tư dự định đầu tư vào tỉnh Long An, qua xem xét các hồ sơ năng lực của các công ty nêu trên, đề xuất chọn liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này. Đồng thời, đề xuất chọn phương án chỉ định nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng.
Trong Thông báo số 695/TB-UBND ngày 15/12/2020 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Long An tại cuộc họp triển khai các thủ tục tiếp theo đối với phương án xét chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kết luận và chỉ đạo: Do việc xét chọn nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian, làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở ngành, thống nhất phương án chọn Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này. Giao Ban Quản lý Khu kinh tế rà soát, hoàn chỉnh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư như trên.
Văn bản trả lời của Bộ Xây dựng cho ý kiến thẩm định quyết định chủ trương đầu tư của dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập. |
Tuy nhiên, tại Văn bản số 112/BXD-HĐXD của Bộ Xây dựng gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Long An cho ý kiến thẩm định quyết định chủ trương đầu tư của dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập. Bộ Xây dựng cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về Đầu tư, Đất đai, Đấu thầu và các quy định hiện hành khác của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết thêm, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng của dự án cần được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng.
Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Văn bản của Bộ Xây dựng yêu cầu, hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư của dự án cần bổ sung phương án phát triển nhà ở, công trình xã hội, văn hoá, thể thao, cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp…
Nhà đầu tư được chỉ định có đủ năng lực?
Theo tìm hiểu, trong 5 nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập, các nhà đầu tư (trong đó có Công ty Cổ phần Kiến Phát) đã được UBND tỉnh Long An trao quyết định thỏa thuận địa điểm để đầu tư, phát triển dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập tại Văn bản số 2714/QĐ-UBND ngày 13/8/2014.
Sau đó, đơn vị này đã có văn bản chuyển giao cho Công ty An Kiến Phát để tiếp tục triển khai dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập và đã được của Sở Kế hoạch Đầu tư chấp thuận và các Sở ngành tỉnh Long An hướng dẫn các thủ tục tiếp theo.
Tuy nhiên, tại Thông báo số 695/TB-UBND ngày 15/12/2020, UBND tỉnh Long An lại chọn liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục dự án KCN Nam Tân Tập mà không phải qua Hội đồng xét chọn hay qua đấu thầu dự án?
Việc nhà đầu tư mới này được tỉnh Long An chỉ định để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án đang được dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi về năng lực của nhà đầu tư về dự án hàng nghìn tỷ này. Đồng thời, việc chỉ định này đang gây ra những mâu thuẫn về tính minh bạch, sự công bằng giữa các nhà đầu tư.
Theo dữ liệu, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn được thành lập năm 2002. Tại thời điểm 31/3/2021, doanh nghiệp này đang vay nợ ngắn hạn 593 tỷ đồng ở hàng loạt ngân hàng và công ty khác nhau. Ở mục nợ dài hạn, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đang vay hơn 881 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 740 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đạt gần 118 tỷ đồng thì năm 2019 chỉ còn gần 11,2 tỷ đồng.
Với những dữ liệu trên, có thể thấy những hoài nghi về năng lực của nhà đầu tư Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập là có cơ sở. Các cơ quan chức năng tỉnh Long An cần xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp đồng thời thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 112/BXD-HĐXD.
Nguồn: Báo xây dựng