Lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xây dựng đầu ngành có tình hình kinh doanh kém khả quan. Doanh thu thuần của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) kỳ này đạt gần 5.120 tỷ đồng, giảm gần một phần ba so với 6 tháng năm trước. Trong đó, mảng cho thuê thiết bị xây dựng giảm mạnh nhất với hơn 78%. Doanh thu hợp đồng xây dựng là mảng kinh doanh chính cũng giảm 32%, tương đương giảm hơn 2.400 tỷ đồng.

Ngoài suy giảm doanh thu, “anh cả” ngành xây dựng còn đội thêm chi phí quản lý doanh nghiệp, phần lớn là chi phí nhân viên và phát sinh thêm dự phòng các khoản thu khó đòi. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế bán niên giảm 65% so với cùng kỳ, về mức 99 tỷ đồng. Như vậy, Coteccons mới thực hiện được khoảng một phần ba kế hoạch kinh doanh cả năm.

Giám sát và công nhân xây dựng tại một dự án ở TP HCM. Ảnh: CTD.
Giám sát và công nhân xây dựng tại một dự án ở TP.HCM. Ảnh: CTD.

Chung cảnh suy giảm lợi nhuận nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons lại có doanh thu tăng 11%. Cụ thể, doanh thu bán niên đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực kinh doanh chính tăng hơn 24%.

Tuy nhiên, giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng mạnh. Trong đó, Ricons chi gần 93 tỷ đồng cho quản lý doanh nghiệp, chiếm phần lớn là chi phí nhân viên. Vì thế, lãi ròng bán niên vẫn giảm 38% so với cùng kỳ, còn mức 57 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Ricons đã thực hiện gần 38% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận hơn 67 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, mức lãi này không xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính mà nhờ thu nhập đột biến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư và tiết giảm chi phí. Với kết quả này, Tập đoàn Hòa Bình cũng chỉ hoàn thành 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Báo cáo tài chính riêng của HBC cũng cho thấy, hoạt động bán hàng xây dựng có doanh thu gần 5.300 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cùng lúc, giá vốn tăng nhanh hơn đẩy lợi nhuận gộp mảng này về mức gần 320 tỷ đồng, tức biên lãi gộp khoảng 6%.

Biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng thấp do giá vốn cao là câu chuyện chung của Coteccons, Ricons và Hòa Bình. Đây là hệ quả của tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao do ảnh hưởng của Covid-19, nhất là sắt, thép xây dựng.

Với Coteccons, giá vốn hoạt động xây dựng nửa đầu năm bằng 95% doanh thu khiến lợi nhuận gộp mảng này chỉ còn 250 tỷ đồng. Ricons là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm trên có doanh thu tăng mạnh, nhưng cũng vì giá vốn tăng nhanh hơn nên tổng lại lợi nhuận suy giảm. Riêng mảng xây dựng, lãi gộp chỉ đạt 136 tỷ đồng.

Lãnh đạo Coteccons cho biết, đây là hệ quả từ việc chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm ngoái. Sang 2021, diễn biến của dịch bệnh càng phức tạp hơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực bất động sản và xây dựng, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Với những doanh nghiệp là “sân nhà” của những tập đoàn có sẵn hệ sinh thái bất động sản, tình hình kinh doanh có vẻ tích cực hơn. Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) báo lãi bán niên gần 33 tỷ đồng, thoát khỏi khoản lỗ hơn 150 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp này đến từ tăng doanh thu thi công, cung cấp dịch vụ và bán hàng. Cùng với điều tiết hợp lý các chi phí thường xuyên, FLC Faros có thêm gần 49 tỷ đồng lãi hoạt động cho vay.

Hưng Thịnh Incons cũng có kết quả kinh doanh ổn định với 2.855 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng quý II, các chỉ số trên tăng lần lượt gần 160% và hơn 4.500% do hoạt động xây dựng các dự án đã hoàn thành nghiệm thu hạng mục bàn giao theo tiến độ, khiến giá trị nghiệm thu tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty có thêm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản từ Công ty Bình Triệu.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích