Lợi ích công đẩy lùi nỗi sợ sai
Ngày 10/1 vừa qua, tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh tinh thần “không đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm”. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, tinh thần nêu trên là thông điệp cần thiết không chỉ với riêng ngành LĐ-TB&XH.
Vào google tìm kiếm với cụm từ “không đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm” thì sau 0,42 giây cho ra 8,210,000 kết quả liên quan. Thống kê này phần nào cho thấy hiện tượng cán bộ, công chức làm việc trong tâm thế thận trọng, sợ sai đang trở thành vấn đề được bàn thảo trên nhiều diễn đàn khác nhau. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đây cũng là một trong những chủ đề nóng mà nhiều đại biểu đã nêu ý kiến. Một đại biểu phản ánh “có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
Như vậy có thể hiểu tình trạng “sợ trách nhiệm” xuất phát từ tâm lý e ngại, muốn được an toàn trong công việc. Nhiều ý kiến liên hệ tâm lý “sợ sai” với bối cảnh các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh những năm gần đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân sâu sa hơn cho tâm thế e ngại của một bộ phận cán bộ, công chức chính là sự phức tạp, chưa hoàn thiện của hệ thống chính sách, pháp luật, thậm chí có những người than vãn rằng “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.
Nhìn nhận khách quan thì nỗi sợ sai là một tâm thế có thể hiểu được. Bởi lẽ mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có lợi ích cá nhân chính đáng, có khát vọng, hoài bão thăng tiến trong sự nghiệp. Một sai phạm nào đó sẽ ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống hiện tại mà cả tương lai. Căn nguyên sâu xa của thái độ muốn an toàn, thậm chí an phận, lo cho bản thân không chỉ đến từ phía cá nhân, mà còn đến từ những bất cập của hệ thống quy định liên quan đến công việc của họ.
Tuy nhiên, tâm thế sợ sai của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố cần sớm loại bỏ. Những người làm việc trong khu vực công cần ý thức rõ về trách nhiệm công vụ của mình, trách nhiệm giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống mà các cá nhân, tổ chức khác không thể tự giải quyết. Bởi thế, khi đảm nhiệm vị trí trong hệ thống công quyền thì trách nhiệm trước hết của cán bộ, công chức là phải làm việc để phục vụ nhân dân chứ không phải lo nghĩ hay vun đắp cho lợi ích cá nhân.
Khi đề cập vấn đề “tư tưởng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm pháp lý còn hiện hữu”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nói rằng “sợ là đúng, nhưng chỉ khi chúng ta không trong sáng, minh bạch còn nếu làm vì lợi ích tập thể thì không có gì phải sợ”. Tôi cho rằng đây là thông điệp rất đúng, rất cần thiết hiện nay không chỉ trong phạm vi ngành LĐ-TB&XH.
Những bất cập cả trong quy định cũng như trên thực tiễn là điều chúng ta đang đối diện hàng ngày. Thách thức với đội ngũ cán bộ, công chức là phải tìm cách vượt qua những bất cập đó chứ không phải dừng lại, coi an toàn là trên hết. Bởi lẽ, cuộc sống của nhân dân và tiến trình phát triển của đất nước không cho phép sự chậm trễ. Những vấn đề đặt ra, những tình huống nan giải cần bàn tay, khối óc của người cán bộ bản lĩnh, dám tư duy đột phá và dám hành động.
Vậy đâu là cơ sở để cán bộ, công chức dám tư duy đột phá và hành động để vượt qua những bất cập và tâm lý sợ sai hiện nay? Trước hết đó là Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; là sự trong sáng, minh bạch và vì lợi ích tập thể như nêu trên.
Ở đây tôi muốn bàn kỹ hơn về khái niệm lợi ích tập thể hay còn gọi là “lợi ích công”. Lợi ích công là lợi ích chính đáng của nhiều chủ thể (cá nhân, tổ chức) nhưng bản thân mỗi chủ thể đó lại không thể tự giải quyết được. Bởi thế, họ cần hành động can thiệp của cơ quan công quyền để bảo vệ lợi ích cho họ. Như vậy, một quyết định được ban hành dựa trên lợi ích công sẽ đem đến lợi ích cho nhóm thụ hưởng cụ thể, chứ không phải gia tăng lợi ích của những người ban hành và thực thi quyết định.
Với tư duy đó, lợi ích công chính là yếu tố bảo đảm cho những người “dám nghĩ, dám làm”. Hành động dựa trên lợi ích công có được sự chính đáng và đúng đắn bởi người ban hành và thực thi quyết định không những không vụ lợi, mà họ đang nỗ lực vượt qua những bất cập hiện tại để phục vụ người khác. Cũng vì thế, lợi ích công chính là cơ sở để những người bản lĩnh dựa vào đó và có thể tìm ra những giải pháp linh hoạt, đột phá cho các vấn đề nan giải và tâm lý “sợ sai” hiện nay.
Cuộc sống luôn vận động và các vấn đề nảy sinh luôn có xu hướng ngày càng phức tạp, nan giải hơn. Chính bởi thế mà hệ thống chính sách, thể chế do Nhà nước ban hành sẽ luôn bộc lộ những bất cập, đòi hỏi khả năng “tư duy vượt ra khỏi các giới hạn” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức chính quyền.
Cũng có nghĩa, thực tế quản lý khu vực công ở nước ta hiện nay chính là liều thuốc thử ý thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng, và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, công chức. Lợi ích của nhân dân, của đất nước không cho phép sự đùn đẩy, né tránh sự phức tạp của cuộc sống cũng như sự bất cập của hệ thống thể chế, chính sách.
Chúng ta đã từng có một Bí thư Kim Ngọc, dám vượt qua những bất cập thể chế nhất thời để hành động vì lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự thành công của tiến trình đổi mới đất nước. Những cán bộ lãnh đạo như Bí thư Kim Ngọc không chỉ đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mà còn gia tăng uy tín chính trị cho Đảng. Vì thế, trước hiện trạng “sợ sai” hiện nay, như TBT Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Nguồn: Báo xây dựng