Logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần được “khơi thông”

(Xây dựng) – Ngày 18/3, tại tỉnh Long An, VCCI chi nhánh tại Cần Thơ đã tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển cảng biển và logistics Đồng bằng sông Cửu Long”. Các vấn đề về thực trạng và giải pháp để giải bài toán về “điểm nghẽn” của giao thông đường thủy chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành Logistics và thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Tọa đàm sẽ tham mưu chính sách phát triển hệ thống logistics cho các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích 40.572km2 chiếm 12,3% diện tích đất liền của cả nước, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng có đến 80% hàng hóa tại khu vực này được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu để đến các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu.
Trong những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là “điểm nghẽn” đã kìm hãm sự phát triển của vùng. Mặc dù, khu vực này hiện có 4 sân bay với 2 sân bay dân dụng nội địa là sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và sân bay Cà Mau, 2 sân bay quốc tế là Phú Quốc (Kiên Giang) và Cần Thơ. Đặc điểm chung của các sân bay này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách và chưa có đóng góp nổi bật vào nền kinh tế vùng.
Trong khi đó, dù có vị trí thuận lợi về giao thông đường thủy với khoảng 15.000km nhưng hệ thống logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thể phục vụ cho hàng hóa trong vùng, chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Cụ thể, ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 – 3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 – 2015; xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải; Viện Nghiên cứu và Phát triển logistcs Việt Nam; Cục Hàng hải… đã đưa ra những giải pháp giúp Đồng bằng sông Cửu Long tháo gỡ khó khăn để phát triển hệ thống logicstics như các tỉnh thành khu vực này cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý rà soát để phù hợp với định hướng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các tỉnh trong vùng cần chủ động đề xuất các dự án đầu tư của địa phương trong triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông Trung ương, phát huy tối đa hiệu quả khai thác dự án đã đầu tư.
Quan trọng hơn, các chuyên gia khẳng định sự cần thiết của các nguồn vốn đầu tư vào các dự án hệ thống logistisc cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết, đặc biệt là các dự án có tính chất lan tỏa, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của Vùng và thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngân sách Trung ương cần hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện một số dự án cấp bách mang tính động lực của Vùng vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, quy định của pháp luật đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường… tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực xã hội hóa và triển khai các dự án.
Nguồn: Báo xây dựng