Loạt cao tốc kết nối TP.HCM – miền Tây: Xích lại gần hơn với trung tâm kinh tế lớn
(Xây dựng) – 1.234 km đường cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh phía Đông, phía Tây và các đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện có 3 tuyến đã đưa vào khai thác, 3 tuyến sắp hoàn thành và nhiều tuyến khác đang triển khai; giúp các tỉnh khu vực phía Nam xích lại gần hơn với trung tâm kinh tế lớn TP.HCM.
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) dài 40 km. Đưa vào sử dụng năm 2010 cho 4 làn xe lưu thông, đến nay, lượng xe lưu thông tăng rất cao, lên đến 52.830 lượt xe/ngày, vượt quá công suất thiết kế. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã kiến nghị Bộ GTVT nhanh có dự án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương để thêm làn xe lưu thông.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành (TP.HCM, Đồng Nai) dài 55 km. Tuyến cao tốc kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ với cao tốc TP.HCM – Trung Lương tại Long An. Khởi công tháng 7/2014, quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài hơn 51 km. Sau hơn 10 năm, do nhiều khó khăn về nguồn vốn, dự án phải thay nhiều chủ đầu tư. Đến tháng 4/2022, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 km mới được đưa vào khai thác. Tổng vốn đầu tư của tuyến này là 12 nghìn tỷ đồng. Cao tốc có 4 làn xe, rộng 16 m, chưa có làn khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 km/h. Ngoài giảm tải cho QL1, tuyến còn rút ngắn gần nửa thời gian TP.HCM đi Mỹ Thuận so với trước. Đến nay, nhu cầu khai thác tăng nên UBND tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2 dự án bằng vốn ngân sách do Trung ương hỗ trợ.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (Vĩnh Long, Đồng Tháp) dài 23 km. Khởi công ngày 04/01/2021, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được thiết kế vận tốc 100 km/h, 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Dự kiến thông xe năm 2023.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang, Vĩnh Long) dài 6,6 km. Công trình giao thông đặt biệt kết nối tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tổng chiều dài 6,6 km.
Khởi công tháng 3/2020, với quy mô 6 làn xe, lớn gấp rưỡi cầu Mỹ Thuận. Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần giảm áp lực xe lưu thông qua cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Chủ đầu tư đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thi công, để hoàn thành năm 2023.
Cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu. Dự án làm đường cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu dài 7,7 km (qua địa bàn Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu) giai đoạn 1, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025.
Cao tốc Bạc Liêu – Cà Mau đầu tư bằng hình thức PPP. Tỉnh Cà Mau chọn phương án đầu tư đoạn Bạc Liêu – Cà Mau dài 46,5 km, nối TP Bạc Liêu và TP Cà Mau theo hình thức đầu tư dự kiến PPP, loại hợp đồng BOT, có sự tham gia phần vốn Nhà nước. Thời gian thực hiện 2021 – 2025.
Từ TP.HCM đến An Giang dài 291 km, có 7 tuyến cao tốc: Cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa (Bình Phước, TP.HCM, Long An) dài 84 km; Cao tốc Đức Hòa – Thạnh Hóa (Long An) dài 33 km; Cao tốc Thạnh Hóa – Tân Thạnh (Long An) dài 16 km; Cao tốc Tân Thạnh – Mỹ An (Long An) dài 25 km; Cao tốc Mỹ An – nút giao An Bình (Long An, Đồng Tháp); Cao tốc nút giao An Bình – Lộ Tẻ (Đồng Tháp, Cần Thơ) dài 51km; Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Cần Thơ – Kiên Giang dài 57 km.
Ngày 12/01/2021, Bộ GTVT khánh thành dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Cần Thơ – Kiên Giang) dài hơn 51 km. Tuyến đường rút ngắn thời gian đi từ TP Cần Thơ đến Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút còn 50 phút, tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia, Thái Lan đến Việt Nam. Bộ GTVT đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (Đồng Tháp). Theo đó, tuyến đường mới từ Mỹ An đi Cao Lãnh dài 26,16 km, theo tiêu chuẩn đầu tư phân kỳ đường cao tốc, bề rộng mặt đường 17 m, cho 4 làn xe lưu thông.
Các tuyến cao tốc phía Nam ĐBSCL
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Với tổng chiều dài 197,22 km, trong đó phân đoạn ưu tiên 1 xây dựng tuyến cao tốc dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 23 nghìn tỷ đồng, dự án khởi công trong tháng 6/2023 và thực hiện trước năm 2025. Phân đoạn ưu tiên 2 nối dài 92,23 km, tổng mức đầu tư 20.751 tỷ đồng, thực hiện trước năm 2030.
Cao tốc Hà Tiên – Bạc Liêu. Tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Quy mô giai đoạn 1 dài 225 km, tổng mức đầu tư 33.255 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ, các nguồn vốn hợp pháp và vốn đối ứng của Chính phủ. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh phía Đông
Hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55 km, nối TP.HCM đến Đồng Nai đưa vào khai thác năm 2015. Tuyến này có tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Được đưa vào sử dụng vào năm 2014, tuy nhiên thường xuyên bị kẹt xe những ngày cuối tuần và dịp lễ.
Tháng 12/2020, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long trình Bộ GTVT phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP.HCM – Đồng Nai), quy mô 8 làn xe, số làn tăng gấp hiện nay. Dự án vừa giải quyết ùn tắc giao thông, vừa đáp ứng lượng xe tăng cao, khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành năm 2025
Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến cao tốc có quy mô 6 – 8 làn xe, đầu tư năm 2030. Tổng kinh phí ước khoảng 24.150 tỷ đồng.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (TP.HCM, Tây Ninh) dài 53,3 km, tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, từ năm 2021 – 2025 tập trung triển khai dự án. Năm 2025 khánh thành, đưa vào hoạt động. Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng kết nối vùng và kết nối đường vành đai 3, 4 nên phương tiện từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên sẽ dễ dàng tới cửa khẩu Mộc Bài, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với Campuchia và cả khu vực ASEAN.
Tag:
Nguồn: Báo xây dựng