Loãng xương: 8 nhóm yếu tố nguy cơ bạn cần biết
Loãng xương: 8 nhóm yếu tố nguy cơ bạn cần biết
Loãng xương là một bệnh về xương đặc trưng bởi khối lượng xương thấp và sự phá vỡ cấu trúc của xương khiến xương trở nên dễ gãy, tăng nguy cơ gãy xương ở một người.
Loãng xương là một bệnh về xương đặc trưng bởi khối lượng xương thấp và sự phá vỡ cấu trúc của xương khiến xương trở nên dễ gãy, tăng nguy cơ gãy xương ở một người.
Nguyên nhân phổ biến của loãng xương là kết quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và quá trình tiêu xương.
I. Loãng xương tiến triển thầm lặng
Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý phổ biến, chỉ xếp sau các bệnh lý tim mạch. Hiện nay, có khoảng 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương.
Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.
Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.
Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành. Dưới đây là những điều bạn cần biết về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây loãng xương.
II. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây loãng xương
1. Yếu tố tuổi tác
Tuổi tác là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển của bệnh loãng xương. Khi chúng ta già đi, bộ xương của mình bắt đầu mất nhiều xương hơn. Hầu hết các chuyên gia đề nghị tầm soát loãng xương bắt đầu từ 65 tuổi, đặc biệt là đối với phụ nữ, nhưng những người dưới 65 tuổi có nguy cơ gãy xương cao cũng nên bắt đầu tầm soát loãng xương sớm hơn.
2. Yếu tố nồng độ estrogen thấp và mãn kinh
Theo Tổ chức Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ, có tới 80% những người bị loãng xương là phụ nữ. Một trong những lý do chính là do phụ nữ thường có xương nhỏ hơn và mỏng hơn so với nam giới. Một lý do khác là estrogen, một loại hormone bảo vệ xương của phụ nữ, giảm mạnh khi phụ nữ đến tuổi tiền và mãn kinh.
3. Yếu tố nồng độ testosterone thấp
Loãng xương thường gặp ở nam giới có mức testosterone thấp, một tình trạng được gọi là thiểu năng sinh dục. Khi nồng độ testosterone ở mức thấp, khối lượng xương sẽ bị mất dần theo thời gian và cuối cùng dẫn đến xương yếu, dễ bị gãy ngay với chấn thương nhẹ.
4. Do thuốc men
Bên cạnh tác dụng chữa bệnh một số thuốc cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây loãng xương. Vì một lý do nào đó, nếu dùng corticosteroid đường uống và tiêm trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương. Thuốc tuyến giáp, thuốc hóa trị và những thuốc khác cũng có thể dẫn đến phát triển bệnh loãng xương.
5. Do một số bệnh lý
Loãng xương do một tình trạng bệnh lý khác gây ra được gọi là loãng xương thứ phát. Các tình trạng bệnh lý liên quan đến loãng xương bao gồm bệnh đái tháo đường, các bệnh viêm tự miễn, bệnh tuyến giáp, hội chứng kém hấp thu…
6. Bộ khung cơ thể nhỏ và trọng lượng thấp
Phụ nữ gầy và nhỏ nhắn có nguy cơ cao bị loãng xương. Một lý do là vì họ bắt đầu có ít xương hơn so với phụ nữ có trọng lượng cơ thể và khung hình cơ thể lớn hơn. Tương tự, những người đàn ông có cấu trúc xương nhỏ hơn cũng có nguy cơ loãng xương cao hơn những người đàn ông to và nặng hơn.
7. Di truyền học
Xu hướng di truyền mắc bệnh loãng xương có thể ghi nhận từ tiền sử gia đình. Một người có thể dễ bị loãng xương hơn nếu cha mẹ của bạn mắc bệnh này.
8. Các yếu tố nguy cơ liên quan lối sống
Có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ về lối sống nằm trong tầm kiểm soát và có thể điều chỉnh được, gồm không nhận được đủ vitamin D và canxi, lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu nhiều,…
Tóm lại, có rất nhiều điều để chúng ta có thể làm để bảo vệ xương của mình và không bao giờ là quá muộn để hành động. Những thói quen bạn áp dụng hiện tại và trong tương lai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương của bạn trong suốt quãng đời còn lại.
Chúng ta có thể bảo vệ xương bằng cách bổ sung đủ vitamin D và canxi, ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của xương, bao gồm trái cây và rau quả. Chúng ta cũng nên tập thể dục thường xuyên để giữ cho xương và cơ chắc khỏe, tránh hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Một ngày, nhớ nên dành 15 phút tiếp xúc da trực tiếp với ánh sáng mặt trời, chỉ cần chừng đó thời gian đã mang lại đủ vitamin D cho cơ thể trong ngày.
III. Bị loãng xương khi nào đi gặp bác sĩ?
Người trên 50 tuổi, nhất là người mãn kinh cần đi tầm soát đo loãng xương để biết cách phòng ngừa.
Người bị gãy xương bất ngờ, đau nhức ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, có thể do loãng xương gây ra./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị