Loại chè ngon nổi tiếng, có lịch sử hàng trăm năm ở Ninh Bình trước nguy cơ mai một
Chè Trại Quang Sỏi vùng đất Quang Sơn – Tam Điệp (Ninh Bình) là một loại chè ngon nổi tiếng có lịch sử lâu đời từ vài trăm năm trước. Xưa kia, chè xanh Tam Điệp từng được chọn là sản vật địa phương cung tiến vua hàng năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, cây chè xanh Quang Sỏi – Tam Điệp đến nay vẫn đứng vững tồn tại và nức tiếng gần xa. Giống chè ”trung du lá thắm” lá chè dày, giòn, mầu xanh ngọc. Nước chè pha ra cũng có màu sóng sánh trong xanh như mật ong bạc hà, ngan ngát hương thơm đặc trưng rất riêng của chè xanh Tam Điệp.
Tuy là thức uống rất dân dã, giản dị, nhưng cũng không kém phần công phu và thú vui rất tao nhã. Để có ấm chè xanh thơm ngon, đậm đà thì phải chọn những cây chè mọc ở nơi có ánh mặt trời, không bị những tán cây lớn che khuất. Lá chè để nấu nước không được non hoặc già quá và cây chè càng mọc ở trên đồi cao thì nấu nước càng ngon. Người ta dùng nước mưa để hãm chè thì mới được nước chè thơm và ngọt đậm. Lá chè sau khi ngâm, rửa sạch, vò nhẹ, rồi cho vào bình, rót nước sôi vừa ngập lá, ngâm trong khoảng 3 phút rồi đổ nước trần đi để làm giảm bớt độ nhựa, vị ngai ngái và vị chát của chè, đổ tiếp nước sôi già vào ấm và cho thêm vài hạt muối biển, để chè ngấm sau 20 phút. Ấm chè ngon phải có màu sắc vàng xanh sóng sánh trong như hổ phách, thơm nồng nàn, ngan ngát, vị chan chát và ngọt hậu.
Chè Trại Quang Sỏi có hương vị đậm đà, ngọt, mát, mùi hương của tinh hoa đất trời. Để thưởng thức chè xanh, người ta cần thả lỏng các giác quan mới có thể cảm nhận được hết các dư vị của chè. Khi uống chè phải uống nóng, đầu tiên ta cảm nhận vị chát, sau đó là dư vị ngọt hậu đọng nơi cuống họng, nó như có men say, làm cho người uống sảng khoái, ngây ngất. Người dân xã Quang Sơn quan niệm rằng, hương vị của nước chè xanh là hương vị của sự thủy chung son sắt, của sự chân thành tha thiết yêu thương. Vị chát chè cũng giống như vị chát cuộc đời, mỗi người phải có ít nhất một lần nếm trải để được trưởng thành hơn, vững vàng hơn trước mọi gian nan, thử thách. Chè Trại Quang Sỏi được thiên nhiên ưu ái đất đai thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ, đất đồi thấp, địa hình bán sơn địa, điều kiện khí hậu nhiệt đới mưa nhiều, trong lành, mát mẻ, rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây chè đã làm tạo ra vị chè đặc biệt như vậy.
Từ khi hòa bình lập lại, cây chè được trồng phổ biến ở thôn Quang Sỏi xã Quang Sơn. Năm 1964, Hợp tác xã trồng chè Quang Sỏi chính thức được thành lập, các đồi chè được giao khoán cho các hộ gia đình trực tiếp chăm bón. Với bàn tay cần cù và tình yêu lao động đã biến đất hoang, cằn, sỏi đá thành những đồi chè xanh ngút ngàn. Cây chè thực sự gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần người dân xã Quang Sơn, trở thành cây trồng chiến lược phát triển kinh tế, góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động. Từ trồng cây chè, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu chè Trại Quang Sỏi dựa trên tài sản trí tuệ được bảo hộ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm “Chè Trại Quang Sỏi”, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Tam Điệp nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/6/2015 về việc“Lãnh đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Tam Điệp.
Là loại chè ngon nổi tiếng nhưng chè Trại Quang Sỏi đang dần bị mai một, suy giảm mạnh về diện tích.
Chị Trần Thị Vân (tổ 7, phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp) cho hay, thời điểm thịnh vượng vào khoảng những năm 2016 – 2018, ô tô, xe thồ của thương lái ra vào, mua bán chè nhộn nhịp. Riêng nhà tôi mỗi ngày xuất đi hàng tấn chè, đó là chưa kể gần 20 đại lý khác nữa. Nhưng thật đáng buồn là hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm trở nên khó khăn. Cả vùng còn duy nhất nhà tôi và một đại lý khác nữa duy trì được nghề mà cũng chỉ bán cầm chừng, 3 ngày bốc hàng một lần, mỗi lần vài tạ.
Anh Trần Quốc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Sơn cho biết, theo thống kê, năm 2015, toàn xã có khoảng 170 ha chè với 5 – 6 trăm hộ gia đình và hơn một nghìn lao động tham gia sản xuất chè. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tuy chưa có thống kê chính xác nhưng ước tính diện tích chè chỉ còn khoảng 15 – 20 ha.
Chị Trịnh Thị Phượng, thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn phân trần: “Chè ở đây tốt và ngon đấy nhưng giờ nó không còn hiệu quả nữa. Khi trước, 1 tấn chè bán được 6 triệu, giờ có 3,5 triệu, trong khi công lao động, vật tư, phân bón cái gì cũng lên. Đó là chưa kể, nhiều khi gọi thương lái đến “cháy” máy điện thoại mà họ cũng có về mua cho đâu. Vậy nên gia đình đã phá bỏ 1 mẫu chè cách đây 2 – 3 năm để chuyển hẳn sang trồng dứa”.
Nhiều người dân cho rằng, hiện nay trên thị trường có quá nhiều thức uống để người tiêu dùng lựa chọn. Ngay trong vùng trồng chè cũng đã thấy, trước kia bà con uống nước chè xanh ngày này qua ngày khác nhưng giờ mỗi hôm một loại, nào lá sen, chè vằng, lá vối, đinh lăng, xạ đen,… nên chè xanh “thất sủng” cũng là điều dễ hiểu.
Không bán được, giá liên tục sụt giảm, người dân bỏ bê không đầu tư chăm bón nữa dẫn đến cái vòng luẩn quẩn, năng suất giảm và thu nhập lại càng giảm sâu hơn nữa.
Anh Tống Duy Hiển, Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp cho rằng: vấn đề lớn nhất hiện nay là người dân không còn chuyên tâm với cây chè. Lao động trẻ thì đi làm công ty, cây chè bị bỏ bê, dù giống tốt, chất đất tốt thế nào đi chăng nữa nhưng không chăm sóc thì năng suất cũng không đạt, mà chất lượng cũng bị ảnh hưởng.
Trong lúc số phận cây chè vẫn đang còn bị bỏ ngỏ thì đâu đó vẫn còn những hộ gia đình không nỡ phá bỏ, vẫn lưu giữ lại vườn chè từng là cây nuôi sống cả gia đình. Như vườn chè của nhà bà Lâm (tổ 7, phường Tây Sơn), mỗi ngày, bà vẫn chăm sóc, hái tỉa lá cẩn thận tuy cây chè không còn giúp gia đình bà có nguồn thu nhập khá như trước kia.
Mong rằng, với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, cùng bàn tay và khối óc con người, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong thời gian không xa, thương hiệu chè Trại Quang Sỏi xã Quang Sơn sẽ cất cánh để bay cao, bay xa hơn nữa.
Theo Thương hiệu Sản phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu