Loài cá nước ngọt lớn nhất Trái Đất sống ở Amazon có nguy cơ tuyệt chủng

Loài cá nước ngọt lớn nhất Trái Đất sống ở Amazon có nguy cơ tuyệt chủng

Loài Hải tượng long (Arapaima) khổng lồ dài tới 3m đã gần như biến mất tại Brazil cho đến khi cộng đồng địa phương tham gia vào nỗ lực bảo tồn loài cá nước ngọt lớn nhất Trái Đất này.

Chỉ hơn một thập kỷ trước, Hải tượng long (tên khoa học là Arapaima), một loài cá có thể dài tới 3m và nặng tới 230kg sống phổ biến ở khu vực sông Amazon, đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng khi số lượng bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng đánh bắt quá mức.

Nhưng những nỗ lực bảo tồn của cộng đồng địa phương đã giúp xoay chuyển tình hình khi số lượng loài Hải tượng long đã tăng lên đáng kể.

Theo nghiên cứu của nhà sinh thái học người Brazil João Campos-Silva, ở những khu vực nơi cộng đồng áp dụng phương pháp đánh bắt bền vững, số lượng cá Hải tượng long tăng 425% trong vòng 11 năm qua.

Sự hồi sinh của loài Hải tượng long là một thành công có thể đóng vai trò như hình mẫu để bảo vệ các loài thủy sinh lớn khác ở Amazon và trên toàn cầu, trong đó cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng.

Có diện tích gần bằng nước Mỹ, lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ, với 60% diện tích nằm trong biên giới Brazil, là nơi sinh sống của hàng chục triệu người, trong đó có khoảng 400 nhóm bản địa.

Lưu vực này được bao quanh bởi hàng nghìn con sông với nhiều loài cá hơn bất kỳ hệ thống sông nào khác trên Trái Đất.

Là loài cá nước ngọt có vảy lớn nhất thế giới, Hải tượng long ở Brazil được gọi là “pirarucu,” trong ngôn ngữ thổ dân Tupí có nghĩa là “cá đỏ” theo màu đuôi đặc trưng của loài cá này.

Kiếm mồi trong các hồ và đầm lầy, loài Hải tượng long chỉ có thể lặn dưới nước săn mồi từ 10 đến 20 phút trước khi phải nổi lên mặt nước để thở bằng bong bóng bơi chuyên dụng giống như phổi.

tm-img-alt
Ngư dân bắt một con cá Hải tượng long trên sông Amazon. (Nguồn: National Geographic)

Việc phải nổi lên mặt nước khiến Hải tượng long dễ bị săn bắt. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy nhu cầu về hải sản đã dẫn đến việc đánh bắt quá mức khiến số lượng loài cá này bị suy giảm nghiêm trọng.

Vào thời điểm đó, chính phủ Brazil đã thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn rộng khắp trên khắp Amazon, trong đó một số bang cấm đánh bắt cá Hải tượng long.

Bảo tồn thành công

Khoảng 15 năm trước, nhà sinh thái học Campos-Silva đã bắt đầu nghiên cứu dọc theo sông Juruá, hợp tác chặt chẽ với cư dân của cộng đồng São Raimundo.

Dựa trên số lượng cá, cộng đồng đã thiết lập hạn ngạch đánh bắt bền vững, trong đó chính phủ liên bang cho phép thu hoạch 30% số cá Hải tượng long trưởng thành (chiều dài hơn 1,5m) trong các khu vực được bảo vệ.

Hầu hết Hải tượng long sinh sản ngay sau khi nước lũ dâng cao và tràn vào rừng. Khi nước rút vào mùa khô, cá bị mắc kẹt ở các hồ và sông biệt lập. Trong thời gian này, chính quyền cho phép người dân địa phương đánh bắt cá.

Các biện pháp này mang lại kết quả gần như ngay lập tức. Nhờ tốc độ tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng, số lượng Hải tượng long đã phục hồi.

Ngoài việc người dân kiếm được nhiều tiền hơn, thu nhập từ đánh bắt cá còn được tái đầu tư vào các trường học, trung tâm y tế và cơ sở hạ tầng cơ bản ở địa phương.

Các nhà khoa học tiếp tục thu được những hiểu biết sâu sắc hơn về sự di chuyển, hệ sinh thái và quần thể cá Hải tượng long, bao gồm cả việc gắn thẻ và theo dõi bằng sóng vô tuyến.

Ví dụ, họ phát hiện để một quần thể cá Hải tượng long được coi là khỏe mạnh thì phải có tối thiểu 30 cá thể trên mỗi km2 vùng ngập nước.

Donald Stewart, Giáo sư thủy sản tại Đại học bang New York, cho biết phương pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng đã mang lại kết quả còn ngoạn mục hơn ở Guyana, với quần thể cá Hải tượng long ở đó tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực không được quản lý ở Amazon, nơi loài Hải tượng long có thể bị tuyệt chủng cục bộ.

Nghiên cứu của nhà khoa học này cho thấy còn có một số loài Hải tượng long khác biệt hơn và một vài loài trong số đó vẫn ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp.

Tuy vậy, thành công trong việc bảo tồn loài Hải tượng long có thể là hình mẫu để bảo vệ và quản lý quần thể các loài cá khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng khác trên khắp thế giới.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích