Loại bỏ ngôn ngữ giao tiếp dung tục

Loại bỏ ngôn ngữ giao tiếp dung tục
Lễ phép với thầy cô, vâng lời cha mẹ. Dạy các bé từ cách ứng xử, lời nói lễ phép sẽ góp phần làm cho các cháu luôn có những ngôn ngữ giao tiếp có văn hóa (Ảnh minh họa).

“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Cùng với sự phát triển của kinh tế, những năm qua Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực trong việc chăm sóc, bảo vệ toàn diện đối với trẻ em. Gia đình do điều kiện kinh tế ngày càng khấm khá nên càng dành công sức, vật chất chăm sóc các em. Nhìn một cách tổng thể, trẻ em hôm nay đã được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất về vật chất, tinh thần và môi trường giáo dục mà Đảng, Nhà nước, gia đình, xã hội đã dành cho. Chính vì thế, thể trạng các em ngày một cải thiện, sự hiểu biết và chất lượng học tập, tố chất tự lập ngày càng được nâng cao.

Tuy vậy, trong bức tranh sáng về trẻ em hiện nay vẫn hiện lên “chấm đen” nhỏ cái gọi là “văn hóa giao tiếp” mà nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ như đóm lửa bùng cháy dẫn đến những hệ lụy về giá trị đạo đức thì tương lai. Thật ngạc nhiên trong ngôn ngữ giao tiếp, rất nhiều em mặt mũi sáng sủa, thành tích học tập xuất sắc, giỏi… cũng tự chuyển các từ xưng hô vốn rất đẹp “tớ – cậu”; “bạn – tớ” thành “mày – tao”; mỗi một câu giao tiếp là văng ra rất nhiều động từ mạnh…! Lâu rồi thành quen, song khi xác định văn hóa là nền tảng của đạo đức xã hội, “nói lời hay ý đẹp mới có hành động đẹp” thì việc các em ở môi trường học đường đang có xu hướng sử dụng ngôn ngữ không đẹp trong giao tiếp là thực trạng đáng báo động.

Để tạo dựng môi trường giao tiếp đẹp, lành mạnh, “tỉa”, “cắt” và tiến tới loại bỏ hoàn toàn “văn hóa” nói bậy làm công cụ giao tiếp cho các em, có lẽ hơn lúc nào hết người lớn phải làm gương cho các em. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thiếu chuẩn mực trong gia đình; cộng đồng xã hội cũng phải đề cao văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp ngoài xã hội… sao cho hình thành một mặt bằng ngôn ngữ giao tiếp có văn hóa để những ai chót nói bậy, văng tục trong giao tiếp thấy xấu hổ, lẻ loi như đi ra đường không đội mũ bảo hiểm hay đeo khẩu trang y tế khi dịch bệnh.

Về phía nhà trường, bên cạnh giáo dục văn hóa cũng cần phải phát động phong trào thi đua như “nói không với văng tục”, “nói lời hay, làm việc tốt” để mỗi học sinh tự thấm nhuần và dần chuyển biến trong văn hóa giao tiếp.

Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, bên cạnh việc chăm sóc, bảo vệ các em tốt hơn, mỗi chúng ta hãy cộng đồng trách nhiệm đưa “môi trường văn hóa giao tiếp” mà cụ thể là loại bỏ ngôn ngữ giao tiếp dung tục ra khỏi đời sống của các em…

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích