Lo ngại thực phẩm bẩn khi tết Nguyên đán cận kề
Nhức nhối vấn nạn thực phẩm bẩn
Cứ mỗi dịp cuối năm, vấn nạn thực phẩm bẩn lại được cảnh báo. Mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, là mối đe dọa thường trực của bất cứ ai, bất cứ gia đình nào.
Tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 15/12, Đội Quản lý thị trường Số 3, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã giám sát tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm gồm hơn 24.000 sản phẩm, trị giá gần 7 tỷ đồng.
Đó là những thực phẩm bẩn, thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhiều nhãn hàng, nhãn hiệu đăng ký trên thị trường. Đây là kết quả quá trình thanh, kiểm tra thời điểm cận Tết của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng cộng 51 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành.
Ngay trước vụ tiêu hủy hơn 24.000 sản phẩm bẩn kể trên, dư luận từng xôn xao trước vụ việc 30 em học sinh ở thành phố Quảng Ngãi nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm do sử dụng sản phẩm thạch trái cây.
Báo Lao Động dẫn thông tin kết quả điều tra ban đầu, vào khoảng 13h ngày 8/12, tại trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà có 44 học sinh đã sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung thạch trái cây nho, loại 1kg (50 gói x 20g), ngày sản xuất 18/8/2023, hạn sử dụng 18/8/2024, do một công ty thực phẩm dinh dưỡng có địa chỉ sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sản phẩm này do Công ty TNHH một thành viên Tuyết Ka, địa chỉ số 88 Bà Triệu, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi phân phối, được nhân viên thị trường của công ty thực phẩm dinh dưỡng này nhận và phát miễn phí cho học sinh trước cổng trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà trước khi vào lớp học.
Đến 14h ngày 8/12/2023, có 30 học sinh bị ngộ độc và được đưa vào Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi điều trị với các triệu chứng nôn, đau bụng, đi ngoài lỏng.
Trong ngày 8/12, Đoàn điều tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH một thành viên Tuyết Ka. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty này chỉ cung cấp bản sao hồ sơ tự công bố sản phẩm số 09/NTF/2023. Giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, tại địa chỉ số 88 Bà Triệu, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi. Các giấy tờ khác liên quan đến việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm thì Công ty TNHH một thành viên Tuyết Ka chưa chứng minh được, đồng thời công ty này cũng không có giấy cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lãnh đạo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tuyết Ka, tất cả lô hàng sản phẩm cấp phát miễn phí đã được Công an thành phố Quảng Ngãi niêm phong, thu giữ để phục vụ công tác điều tra sau khi xảy ra sự việc.
Hai sự việc ở hai địa bàn khác nhau nhưng cùng chung câu chuyện về an toàn thực phẩm. Vào những dịp cuối năm, vấn nạn về lĩnh vực này lại bùng phát một cách mạnh mẽ.
Theo Đại Đoàn Kết, kể từ đầu năm đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh, kiểm tra gần 37.500 cơ sở, phát hiện gần 3.900 cơ sở vi phạm, xử phạt 1.651 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 20,3 tỷ đồng. Qua xử phạt, cơ quan chức năng thành phố đã tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn, bao gồm: bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thực phẩm từ động vật… các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 cơ sở có dấu hiệu hình sự.
Siết chặt thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ quản lý về an toàn thực phẩm
Để ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm quyết định triển khai đợt cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm từ ngày 20/12/2023 đến 20/3/ 2024.
Trong thời gian này, ở cấp trung ương sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bình Dương, Kon Tum và Gia Lai.
Theo Công lý, Đoàn liên ngành gồm lực lượng của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Khoa học – Công nghệ.
Kế hoạch triển khai có 2 hoạt động chính, gồm:
Hoạt động truyền thông: Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Nội dung truyền thông sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Hoạt động kiểm tra: tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Kế hoạch sẽ được triển khai dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Tại các địa phương, Kế hoạch sẽ được triển khai dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã chủ động rà soát, lập kế hoạch kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường các đoàn thanh, kiểm tra, nhất là cao điểm Tháng hành động, kiểm tra chuyên đề các nhóm sản phẩm nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm, bảo đảm an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Song song đó, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của HĐND, UBND, công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm của thành phố đã từng bước đạt hiệu quả hơn, xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của lực lượng phối hợp. Nhờ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Dù vậy, bà Lan cũng chỉ ra các tồn tại, vướng mắc thời gian qua về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, hiện các bộ, ngành chưa ban hành được danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, năng lực phân tích hóa chất, thành phần trong thực phẩm của các đơn vị còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả về chất lượng.
Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm từ mọi cấp độ. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân kết hợp phòng, chống dịch bệnh trong mùa cao điểm Tết cũng như trong thời gian sau Tết. Ở chiều ngược lại, đối với hàng hóa, thực phẩm xuất khẩu đi các thị trường, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức chặt chẽ các khâu để đảm bảo các quy chuẩn, quy định kỹ thuật và tuân thủ những yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng vừa có Kế hoạch số 295/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024.
Theo Kế hoạch, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024, Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm Thành phố sẽ tiến hành nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân năm 2024 tại địa phương.
Trong đó, Ban Chỉ đạo đặc biệt chú trọng các địa bàn trọng điểm có tổ chức các lễ hội xuân lớn trên địa bàn thành phố tại Tây Hồ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Sơn Tây…
Đối tượng thanh tra, kiểm tra gồm: các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Trọng tâm là cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Giáp Thìn và các lễ hội; các cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở xung quanh khu vực tổ chức lễ hội xuân lớn.
Ban Chỉ đạo thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn.
Ở cơ sở, các xã tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ…; chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp.
Theo kế hoạch, kể từ ngày 1/1/2024, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động. Sở này sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố Hồ Chí Minh quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đây là bước tiến đáng kể của Thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, xuất phát từ quá trình thí điểm thành công nhiều năm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (trên cơ sở kết hợp lực lượng từ 3 Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu