Lo ngại cho sức khoẻ, du khách ‘né’ đến Chiang Mai (Thái Lan)

Lo ngại cho sức khoẻ, du khách ‘né’ đến Chiang Mai (Thái Lan)

Lọt vào top 3 nơi ô nhiễm nhất thế giới, ngành du lịch Chiang Mai bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vào Tết Té nước sắp đến.

Chiang Mai, một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất Thái Lan, đạt 289 trên chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index – chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) của IQAir vào tháng Ba. Tình trạng này kéo dài. Ngày 10/4, AQI của Chiang Mai giảm còn 171, nhưng vẫn cao hơn 19 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trang web theo dõi không khí IQAir đang xếp Chiang Mai đứng thứ 3 trong top thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi ngày, lớp khói dày bao trùm khắp nơi khiến người dân lẫn du khách đôi khi bị ngộp thở. Chính điều này cản trở quá trình phục hồi sau đại dịch của thành phố đông du khách thứ hai Thái Lan (sau Bangkok), khiến chính phủ và dân địa phương lo ngại ảnh hưởng kinh tế.

Trước đại dịch, Chiang Mai thu hút hơn 10 triệu du khách mỗi năm (10,8 triệu du khách năm 2019). Tuy nhiên, Phunut Thanalaopanich – Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan phía Bắc Thái Lan – hôm thứ Hai cho biết lượng đặt phòng khách sạn dịp Tết Té nước Songkran tuần này giảm còn 45 %, thấp hơn rất nhiều (khoảng 80 – 90%) so với dự kiến.

Noi (du khách Thái Lan) cho biết ngạc nhiên vì ô nhiễm không khí tại Chiang Mai, ngay khi đặt chân đến đây. Cô thường xuyên du lịch Chiang Mai, đặc biệt từ cuối năm ngoái, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh tượng ô nhiễm khủng khiếp như năm nay.

Wittaya Pongsiri, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp du lịch Chiang Mai, tiết lộ lượng du khách đến Chiang Mai giảm khoảng 20 %. Theo ông, nguyên nhân là nhiều du khách có thói quen kiểm tra chất lượng không khí mỗi ngày nên nếu không khí tốt, lượng đặt chỗ sẽ tăng lên và ngược lại.

Khói mù bao phủ Chiang Mai. Ảnh: AP
Khói mù bao phủ Chiang Mai tháng trước. Ảnh: AP

Du khách Fernanda Gonzalez (Mexico) kể: “Bạn có thể cảm thấy bụi bám trên mặt. Tôi lau mặt, sau đó nhìn miếng bông tẩy trang và nghĩ nó thật sự rất bẩn”.

Pathsharasakon Po (36 tuổi), dân địa phương, cho biết lo lắng về các bệnh dị ứng, thậm chí là ung thư. “Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ qua từng năm”, cô nói thêm.

Người dân đeo mặt nạ chống độc khi ra đường ở Bangkok. Ảnh: AP
Người dân đeo mặt nạ chống độc khi ra đường. Ảnh: AP

Thái Lan cho rằng ô nhiễm do những đám khói bay từ Myanmar và Lào sang, khi nông dân ở đây đốt đồng, nương, rẫy để chuẩn bị vụ mùa mới. Bên cạnh đó, một vụ cháy rừng gần đây khiến chỉ số không khí ở Chiang Mai chạm mức báo động.

Ngày 7/4, chính phủ khuyến cáo người dân và du khách không nên ra đường vì không khí ô nhiễm trầm trọng. Theo dữ liệu của chính phủ, ước tính khoảng hai triệu người Thái nhập viện vì các vấn đề liên quan hô hấp, kích ứng da, nhiễm trùng mắt từ đầu năm tới nay.

Ngày 11/4, cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan báo cáo mức độ ô nhiễm không khí ở mức báo động đỏ tại 12 tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Chiang Mai, Chiang Rai, Lamphun, Mae Hong Son và Nan, khiến khách du lịch e ngại.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết đang phối hợp Lào và Myanmar để hạn chế ô nhiễm, kiềm chế khói mù tại khu vực biên giới, dù phần lớn ô nhiễm vẫn được cho là đến từ trong nước. Các nhà chức trách dự kiến mức độ ô nhiễm giảm vào cuối tháng 4, khi các hoạt động đốt rừng, đồng, nương rẫy ngừng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích